'Chào mẹ con đi để được làm người'

'Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi… Con gọi từ ngày xa nhà, cho đến hôm nay từ đỉnh núi cao vời vợi, con tưởng tiếng gọi của con sẽ bay về quê hương, đêm nay sẽ đến tai mẹ. Mẹ thương của con ơi, mẹ cố sống chờ con, con sẽ về với mẹ' - đó là tiếng lòng của Phạm Quang Nghị - tác giả cuốn tự truyện 'Đi tìm một vì sao' - trong những ngày hành quân đi cứu nước tại dải Trường Sơn hùng vĩ đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào.

 Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Đây cũng là nỗi niềm của biết bao người con "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trong những năm tháng đau thương, hào hùng của dân tộc.

"Đi tìm một vì sao" là một tự truyện đẫm chất văn chương của tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tác giả đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp đẽ và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc.

Cuốn tự truyện là một bộ hồ sơ cá nhân của một con người. Là lịch sử của một con người nhưng từ đó người đọc nhìn thấy những thời khắc lịch sử của một dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc trong những biến động lớn của lịch sử từ những năm tháng chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình, mỗi ngày của ông đều chứa đựng một phần những sự kiện của đất nước và trong những sự kiện của đất nước có đời sống cá nhân ông".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), Báo PNVN trích đăng một đoạn từ nhật ký trong cuốn "Đi tìm một vì sao".

Bìa tự truyện "Đi tìm một vì sao"

Bìa tự truyện "Đi tìm một vì sao"

30/5 (1971)

Hôm qua xứng đáng ghi vào lịch sử cuộc đời một ngày cực kỳ vất vả.

Buổi ra đi, mệt lả từ nhà. Trông vẻ mặt ai cũng có vẻ bực bội, phân vân. Những nếp nhăn trên trán nhíu lại, ngước nhìn lên Cao nguyên Bôlôven xanh thăm thẳm.

Bầu trời rộng bao la, xanh lồng lộng một màu. Trên cao nguyên buổi sáng sương tan nhanh. Từ đỉnh này nhìn ra bốn phía đều thấy trùng trùng núi non. Màu cao nguyên không xanh đậm như Rừng già, đồi núi quang đãng hơn, cây cối bé và thưa. Trên quãng đường đất đỏ, cây hai bên rừng vút cao dựng lên như bức thành tít tắp. Con đường vươn mình lên dốc, đến chỗ ngoặt trông như cửa sổ lên trời.

Có những lúc mặt trời hửng sáng. Cao nguyên rừng rực ánh hào quang. Những nương rẫy đã đốt trông trần trụi, đen đủi, xen vào rừng cây xanh như một mụn vá vụng về.

Người nào cũng có cảm tưởng mình đang ngợp trong cảnh rừng núi mênh mông. Vẫy vùng thế nào cũng không sao thoát khỏi. Như chiếc xuồng mong manh giữa biển khơi cồn sóng. Chúng tôi lảo đảo, vật vã bước từng bước cà nhắc, nặng nề.

Đám người chúng tôi cách xa dần đoàn dân chính khỏe mạnh và đoàn bộ đội. Phía trước không còn nghe tiếng nói, tiếng cười vọng lại. Chỉ có tiếng nhạc rừng râm ran hòa trong gió ngàn. Phía sau chúng tôi không hề còn một bóng người. Im lặng. Hoàn toàn im lặng. Người nọ nhìn người kia bằng cặp mắt lờ đờ và đôi môi hấp háy.

3 người bước như vừa đi đưa đám về. Mọi sự như đều rõ ràng, không còn gì phải hỏi nhau: Dốc cao, đường xa, sức kiệt. Nhìn những bầy chim vờn nhau trong lá và những đôi chim đuổi nhau vun vút, ai cũng có niềm ao ước được chắp đôi cánh bay lên. Lững thững leo lên lưng chừng núi, tôi nghĩ miên man. Chao. Nhớ quê nhà da diết. Cái nhớ không kéo bàn chân lui lại, nhưng bỗng nhiên tôi thèm khát một buổi chiều vàng đứng trên con đường trục mà ngắm cánh đồng ngày mùa. Bây giờ lại hiện lên rất rõ nét trong óc tôi đoàn người ríu ra ríu rít, cười nói, chạy kĩu kịt trên các ngả đường về thôn xóm. Những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu, hát nghêu ngao những câu không đầu không cuối. Sự suy nghĩ thì gần gũi vô cùng. Còn viễn cảnh thì xa vời vợi, cơ hồ không bao giờ gặp lại nữa.

Phải chăng lúc buồn nhất ta thường nhớ tới mẹ cha. Hay vì nhớ tới mẹ cha nên buồn. Ôi! Thương lắm người mẹ khổ đau suốt đời lo toan cho con. Chắc giờ này mẹ ta đang mòn mỏi trông con. Ý nghĩ cứ chập chờn như mơ… Rồi ta lại bước đi, cho tới khi bóng núi đổ dài trên thung lũng. Dưới chân núi xa, vệt suối thẫm mờ trông như chân mây.

Niềm vui trên dải Trường Sơn là được sống chung với đồng đội. Ăn ngủ, chuyện trò, tỉ tê với nhau trong lúc buồn, thương, hy vọng. Ngày nối ngày trôi đi, quê hương càng lùi xa tít tắp. Bóng dáng mẹ cha, anh em, chú bác và bạn bè thân quen đều mờ dần cho đến khi ta thiếp đi trong giấc ngủ mê mệt. Vậy đấy! Và ngay cả con đường, mảnh sân, ngôi nhà tranh mái dạ đầm ấm nơi làng quê ta, một lũy tre xanh chiều chiều nâng sáo diều lên cao vút… cũng hầu như không bao giờ được gặp lại. Trên con đường đi tới lý tưởng, phía trước là mặt trời, đỏ rực. Mỗi sáng ra đi ta đều nhằm hướng Nam bước tới. Ta tìm thấy gì trên con đường xa vời vợi này.

Ta tìm thấy niềm vui của một ngày hành quân mệt lử. Vui vì ta đã bông đùa trên đỉnh núi cao. Vui vì một người con gái chê ta mặc bộ quần áo lâu ngày không giặt. Ta tìm thấy niềm vui vì mỗi người đều góp những tiếng cười trên chặng đường ta đi.

Và mãi khi giấc ngủ trùm lên, ta hãy còn ấm hơi đồng đội, có khi còn nghe cả tiếng trở mình mệt mỏi và tiếng nói mê ú ớ.

Giờ đây xa rồi, những ngày vui như thế không còn nữa. Ba người ốm cùng đi với nhau cảm thấy lẻ loi, tom ngóp quá chừng. Ta những mong bạn trước đợi ta, bạn sau chóng khỏe cùng nhau xây lại tổ ấm, bầy xưa mà mơ ước mãi cũng chỉ là hy vọng.

1/6 (1971)

Hôm nay là ngày mở đầu cho tháng Sáu Trường Sơn. Ngày mở đầu cho một quãng thời gian hành quân tiếp tục. Hôm nay ý định của ta đã có những gì mới mẻ? Dự định và ước mơ. Tính toán và thực hiện. Ta sẽ đi tiếp trên chặng đường đồi dốc cuối cùng. Và có lẽ, nếu như không bị trận ốm hồi nào nữa ta sẽ hẹn với đất nước chùa Tháp Ăngko - ta sẽ đến với người.

Ngước nhìn về phương Nam, ta vẫn thấy hiện lên bát ngát là rừng núi, trập trùng, lớp lớp. Cao nguyên Bôlôven như một thằng khổng lồ mà hôm nay ta mới leo tới quá gót chân hắn. Hắn vẫn sừng sững, ngạo nghễ thách thức ta. Nhưng dù sao nó cũng sẽ bị ta chinh phục. Ngày đó cũng không còn lâu nữa.

Nếu như Bôlôven là đỉnh cao nhất trên suốt chặng đường ta đã đi qua thì những đêm dài lạnh lẽo, trằn trọc vì khó ngủ, lòng ta cũng đã vỗ mạnh lớp sóng dồn nhớ thương mẹ và em. Ôi đã bao lần ta nghĩ đến mẹ ta nhưng chưa bao giờ ta thấy lòng ta day dứt và nghẹn ngào đến thế. Trong đêm khuya, ta trở mình hoài, mắt ta cay nóng ngậm ngùi chảy từng giọt nhớ thương. Ôi người mẹ suốt đời khổ đau! Không biết trong những tháng ngày xa con, đêm có cho mẹ giấc ngủ yên hay bắt mẹ thao thức, ngậm ngùi?

Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi… Con gọi từ ngày xa nhà, cho đến hôm nay từ đỉnh núi cao vời vợi, con tưởng tiếng gọi của con sẽ bay về quê hương, đêm nay sẽ đến tai mẹ. Mẹ thương của con ơi, mẹ cố sống chờ con, con sẽ về với mẹ.

Ơi mẹ già yêu quý của lòng con

Từ đỉnh Trường Sơn con gửi lời thăm mẹ

Tóc bạc thêm nhiều, mẹ ơi, có khỏe

Mỗi đêm về mẹ ngủ có ngon không?

Con ra đi lòng vẫn thầm mong

Thống nhất núi sông con về thăm mẹ

Nay cả nước lên đường đánh Mỹ

Chào mẹ con đi để được làm người.

Và còn em ta, đứa em gầy yếu thông minh. Anh ra đi, em có khỏe hơn không? Chắc em sẽ lớn lên nhỉ? Anh cầu mong em sẽ tiếp tục học hành và sẽ trở thành niềm an ủi của mẹ cha.

Trích tự truyện "Đi tìm một vì sao" của Phạm Quang Nghị - NXB Hội Nhà văn năm 2022

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chao-me-con-di-de-duoc-lam-nguoi-20241220164552042.htm