CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LÂM ĐỒNG (3/4/1975 - 3/4/2025): Những ngày tháng không thể quên

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí những người lính năm xưa, ký ức về những trận đánh ác liệt, về đồng đội đã ngã xuống vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Họ - những chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy đã gác lại ước mơ riêng, dấn thân vào khói lửa chiến trường, chiến đấu với tất cả lòng yêu nước và khát vọng hòa bình. Giờ đây, khi mái tóc đã bạc màu, họ không chỉ là những nhân chứng sống của lịch sử, mà còn là những người gìn giữ ký ức, truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần bất khuất cho các thế hệ mai sau.

Ông Phạm Ngọc Ánh

Ông Phạm Ngọc Ánh

Ông PHẠM NGỌC ÁNH - NGUYÊN CHÍNH TRỊ VIÊN PHÓ ĐẠI ĐỘI C54B, NGUYÊN CHÍNH TRỊ VIÊN BAN CHQS HUYỆN ĐỨC TRỌNG

Tháng 12/1970, khi đang học lớp 10, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Ánh (sinh năm 1950) tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công D4 thuộc Sư đoàn 320, Quân khu 3. Cuối năm 1971, ông cùng đồng đội hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh, trải qua 5 tháng 18 ngày đầy gian khổ trước khi đặt chân đến chiến trường Tuyên Đức, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 810.

Đầu năm 1973, trong bối cảnh địch đẩy mạnh các cuộc phản công nhằm tái chiếm vùng kiểm soát trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Tiểu đoàn 810 thành lập Đại đội C6 gồm 19 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ông Phạm Ngọc Ánh. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ bám trụ tại đồi Chỉ huy (còn gọi là Đồi Chùa), ấp Đa Thành, Đa Cát (thuộc Phường 6, Đà Lạt hiện nay). “Trận chiến ác liệt kéo dài suốt 8 giờ đồng hồ. Dù kiên cường chống trả, nhưng trước sức ép áp đảo của địch với xe tăng, thiết giáp, trực thăng cùng những trận pháo cối dồn dập, đơn vị buộc phải rút lui. Trên đường rút quân, quân địch tiếp tục truy kích, khiến nhiều đồng đội bị bắt sống hoặc hy sinh. Đêm 28 Tết năm ấy, giữa chiến trường khốc liệt, chỉ còn tôi và một đồng đội dìu nhau trở về đơn vị”, ông Ánh nghẹn ngào nhớ lại.

Cuối 1973, ông được điều về C54B Đặc công, thuộc Tỉnh đội Tuyên Đức, tăng cường cho Đức Trọng - là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia giải phóng Đức Trọng đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/4/1975. Sau khi Đà Lạt được giải phóng, ngày 4/4, đơn vị ông cùng các đơn vị tiến vào tiếp quản TP Đà Lạt, đảm nhiệm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, bảo vệ thành quả cách mạng.

Chiến trường Tuyên Đức - Đà Lạt - Lâm Đồng là một trong những mặt trận khốc liệt nhất của Quân khu 6. Nhớ lại những tháng ngày gian lao, ông Ánh trầm giọng: “Lực lượng ta luôn trong tình trạng thiếu thốn, quân số ít, lương thực cạn kiệt, vũ khí và thuốc men khan hiếm, trong khi địch liên tục càn quét. Có những thời điểm, một đơn vị chiến đấu chỉ còn chưa đầy một tiểu đội. Nhưng dù gian khổ đến đâu, tình yêu nước, ý chí chiến đấu của Nhân dân và bộ đội ta chưa bao giờ lung lay”.

Suốt những năm tháng cống hiến, ông Phạm Ngọc Ánh đã được Đảng, Nhà nước và quân đội ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng…

Ông Nguyễn Duy Dũng

Ông Nguyễn Duy Dũng

Ông NGUYỄN DUY DŨNG - NGUYÊN ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG BIỆT ĐỘNG C852 THỊ ĐỘI ĐÀ LẠT

Sinh năm 1949 tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Duy Dũng gia nhập quân ngũ tháng 2/1968 và được huấn luyện tại Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 305 Đặc công, tại Hà Nội. Ngày 27/12/1968, đơn vị lên đường hành quân vào Đà Lạt, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 810 thuộc Tỉnh đội Tuyên Đức, sau đó trực tiếp chiến đấu thuộc Đại đội Biệt động C850 của Thị đội Đà Lạt.

Nhắc đến những trận đánh ác liệt, ông Dũng không thể quên trận tấn công Trường Chiến tranh Chính trị của địch - nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. “Chúng tôi mất gần hai tháng trinh sát, nắm chắc từng lối đi, từng vị trí canh gác. Đêm 31/3/1970, đơn vị tôi phối hợp với C5 của Tiểu đoàn 810 chia thành bốn mũi tiến công. Tôi nhận nhiệm vụ dẫn đầu mũi thọc sâu, đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy địch”, ông hồi tưởng. Một trận đánh khác là cuộc chống càn tại Đồi Đá cuối năm 1970, nơi ông và đồng đội đã đánh thiệt hại nặng một đại đội địch, diệt trên 40 tên, trong đó có 6 tên bị hạ ngay tại chỗ, thu giữ 6 khẩu súng và bắn rơi một máy bay. Với chiến công ấy, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Dũng sĩ diệt máy bay.

Năm 1974, ông Dũng là Đại đội trưởng C852, ông không chỉ tham gia chiến đấu mà còn hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị từ bên trong, trinh sát mở đường cho quân chủ lực tấn công từ hướng Nam Đà Lạt. Trước ngày giải phóng Đà Lạt một tuần, ông nhận lệnh từ Thị đội Đà Lạt: xác định sáu mục tiêu trọng yếu, mở đường tiếp cận mục tiêu gần nhất và dẫn đường cho quân chủ lực tiến vào thành phố. Ông Dũng nhanh chóng chỉ huy đơn vị, phân công một nửa lực lượng dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Đúng 10 giờ sáng ngày 2/4/1975, Đại đội C852 tiến vào tiếp quản khu trung tâm TP Đà Lạt (Khu Hòa Bình). Đến 13 giờ cùng ngày, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ sân bay Cam Ly, sẵn sàng phục vụ chiến trường. Chỉ một ngày sau, vào 3/4/1975, lá cờ cách mạng hiên ngang tung bay trên bầu trời Đà Lạt, đánh dấu thời khắc thành phố hoàn toàn được giải phóng.

Chiến tranh lùi xa, nhưng nỗi trăn trở lớn nhất của ông Dũng vẫn là những đồng đội đã ngã xuống, còn nằm lại nơi chiến trường. Từ năm 1997, ông cùng đồng đội vẫn lặng lẽ tìm kiếm hài cốt đồng đội. Đồng thời, ông đứng ra vận động xây dựng nhà bia tưởng niệm trên đồi Công Sự (Phường 11), ghi danh gần 200 liệt sĩ đã hy sinh trên hướng Đông Bắc Đà Lạt.

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông NGUYỄN VĂN TOÀN NGUYÊN CHÍNH TRỊ VIÊN C3 200C, NGUYÊN CHÍNH TRỊ VIÊN BAN CHQS HUYỆN ĐƠN DƯƠNG

Sinh năm 1940 trong một gia đình cách mạng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), năm 1955, ông Toàn cùng gia đình vào Xuân Trường (TP Đà Lạt) và sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1964, ông được tin tưởng giao trọng trách tổ chức và chỉ huy đội du kích địa phương - lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Đơn Dương (ngày đó xã Xuân Trường vẫn thuộc huyện này). Ngày 16/1/1966, với vai trò là Tiểu đội trưởng Đại đội 870, ông cùng đồng đội phối hợp với các đơn vị 810, 830 và lực lượng cơ sở tổ chức phục kích đoàn xe chở cố vấn Mỹ tại Hầm Xẻ, Dốc Đu (trên tuyến đường từ Đà Lạt xuống Đài Ra-đa Cầu Đất). Khi 8 xe địch lọt vào ổ phục kích tại Hầm Xẻ, quân ta lập tức nổ súng, tiêu diệt 6 xe quân sự, hạ hàng chục tên địch và thu nhiều vũ khí, trang bị. Khoảng 1 giờ sau, trận địa mìn của Trung đội 830 ở Dốc Đu tiếp tục tiêu diệt lực lượng chi viện của địch gồm 50 tên và 3 xe quân sự.

Năm 1968, với vai trò Trung đội trưởng Đại đội 870, ông tham gia đánh Đà Lạt. Có thời điểm, địch phản kích dữ dội suốt nhiều ngày liền, quân ta tổn thất nặng nề, từ hơn 100 chiến sĩ xuống còn hơn 25 người. “Hàng chục đồng đội hy sinh, gia đình ly tán, nỗi đau mất mát chồng chất, nhưng lòng căm thù giặc càng lớn hơn. Khi cần củng cố lực lượng, các gia đình không ngần ngại động viên con em lên đường chiến đấu, nhiều phụ nữ cũng xung phong tham gia công tác y tế, hậu cần. Chỉ chưa đầy nửa tháng, đơn vị đã bổ sung gần 100 chiến sĩ mới. Khí thế cách mạng ở Xuân Trường khi ấy sục sôi hơn bao giờ hết”, ông Toàn nhớ lại.

Sau này, ông được cử ra miền Bắc học tập và điều động vào Sư đoàn 7 Bộ binh - một trong những đơn vị chủ lực tại miền Đông Nam Bộ. Giai đoạn 1969 - 1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Campuchia, sau đó cùng đơn vị tiến về tham gia chiến dịch giải phóng Lộc Ninh năm 1972 trên cương vị Đại đội trưởng Sư đoàn 7 Bộ binh. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị mảnh đạn xuyên qua đầu, khiến một bên mắt vĩnh viễn không còn nhìn thấy.

Sau thời gian điều trị, năm 1975, ông trở lại Khu VI, tiếp tục chiến đấu tại Bình Thuận trong vai trò là Chính trị viên C3 200C. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Huyện đội Đơn Dương, rồi được tín nhiệm làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp kháng chiến, ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, ba Huân chương Giải phóng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/chao-mung-50-nam-ngay-giai-phong-lam-dong-341975-342025-nhung-ngay-thangkhong-the-quen-9047d3e/