Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Mẹ Minh của những học trò khiếm thính

Mẹ Minh là cách gọi thân thương và trìu mến mà các học trò thiểu năng, khiếm thính cũng như bạn bè, đồng nghiệp dành cho cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giám đốc Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng trước đây và hiện nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập.

Mẹ Minh chụp ảnh cùng các con tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng

Mẹ Minh chụp ảnh cùng các con tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng

NGHỀ CHỌN NGƯỜI

Tôi biết và gặp cô giáo Minh - Mẹ Minh qua một số người quen, là những bạn đồng môn và người có con em kém may mắn đang được nuôi dưỡng, học tập ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng.

Một thoáng xúc động khi gợi nhớ lại ngày đầu lập nghiệp trong gian khó, cô giáo Minh kể: Tháng 6/1993, tôi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội với tấm bằng loại khá. Xếp lại những mộng mơ, những truyện ngắn và những bài thơ dang dở của một sinh viên mới ra trường, thông qua người quen, tôi đã Nam tiến để lập thân, lập nghiệp, tìm kiếm tương lai với biết bao hoài bão.

Sau một thời gian đến ở tại thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc), được người quen giới thiệu, cô Minh đến xin việc tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng và được bố trí ở trong căn phòng tập thể rộng 12m2. Ban đầu, cô nghĩ đây chỉ là "trạm dừng chân" tạm thời vì cuộc sống xa nhà, xa cha mẹ và không có người thân quen bên cạnh đôi lúc đã làm cô nản lòng, muốn bỏ cuộc.

Đã có rất nhiều nước mắt của cô giáo trẻ rơi trong đêm sau những ngày đầu tiếp xúc với những đứa trẻ không nghe và không nói được, chỉ ú ớ với những cử chỉ vô cùng khó hiểu. Làm sao để các em hiểu được những bài thơ, bài văn, những con số rồi cả những bài toán, ban đầu cô Minh nghĩ đó là điều không thể.

Và rồi, như một lẽ rất tự nhiên, như tình cảm của một người mẹ dành cho con trẻ, chỉ sau vài tuần, mọi lạ lẫm, lo lắng ban đầu của cô giáo Minh dần tan biến. Thay vào đó là sự cảm thông và tình yêu thương bao trùm trong tất cả giờ học, giờ chơi, bữa ăn, giấc ngủ của những đứa trẻ kém may mắn... Sau hai năm gắn bó với ngôi trường, với các em, suy nghĩ rời xa mái trường đặc biệt này dần tan biến trong cô giáo Minh tự lúc nào.

Cô giáo Minh chia sẻ: Trong suốt 30 năm làm việc ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cô đã từng chứng kiến, từng xử lý biết bao sự cố, biết bao câu chuyện khó tin nhưng có thật và cảm động, đong đầy nước mắt.

Cách đây hơn một năm, khi còn làm Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, trong giờ giải lao có hai học trò, một bị câm, một bị điếc, chơi trò đuổi bắt. Bạn bị điếc đóng chặt cửa không cho bạn bị câm ra khỏi phòng, chẳng may một ngón tay của bạn bị câm kẹt vào khe cửa bên trong và bị đứt lìa. Nghe tin, cô giáo Minh đã có mặt kịp thời và đưa em đi bệnh viện. Trước khi đi, cô còn kịp thời lấy đá ướp lạnh ngón tay bị đứt lìa nên đã giúp ngón tay có thêm cơ hội phẫu thuật nối lại thành công. Đêm hôm ấy và những đêm sau nữa, cô giáo Minh đã luôn túc trực trong bệnh viện để chăm sóc cho em học sinh như tình cảm của người mẹ dành cho con ruột của mình.

Lớp học may dành cho học sinh khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng

Lớp học may dành cho học sinh khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng

ƯƠM MẦM

Ngày 1/7/2024, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Khiếm thính Lâm Đồng với Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan. Cả 2 trường trước khi sáp nhập đều có bề dày truyền thống. Trường Khiếm thính Lâm Đồng được thành lập cách đây 44 năm và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan được thành lập cách đây 37 năm.

Trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, khép kín, có khá nhiều chức năng phục vụ học tập, thực hành, sinh hoạt cho khoảng 300 học sinh, hầu hết là trẻ thiếu may mắn (khuyết tật trí tuệ và khuyết tật nghe, nói) từ nguồn ngân sách khoảng 60 tỷ đồng.

Theo cô giáo Minh, thời điểm hiện tại, với quy mô cấp tỉnh thì đây là một trong những Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập lớn nhất nước dành cho đối tượng này.

Hiện nay, Trung tâm là nơi nuôi dạy 250 trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật nghe, nói từ 5 đến 19 tuổi đang sinh hoạt nội trú. Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, mức kinh phí của Nhà nước dành cho học tập, vui chơi, sinh hoạt của các em chỉ đảm bảo tương đối, một số nhu cầu cần đáp ứng cho việc sinh hoạt của các em vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Ở đây, các em được học văn hóa từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài ra, các em còn được học nghề, hướng nghiệp cho tương lai. Niềm vui nhất, đáng tự hào nhất hiện nay là tất cả các em tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng đều cố gắng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

Gần đây, trong chuyến công tác tại TP Đà Lạt, khi được đến tận nơi, tận mắt chứng kiến sự tận tâm, nhiệt tình, chu đáo của tập thể giáo viên, nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng, người viết bài này mới thấu hiểu sự nỗ lực vượt khó của các thành viên trong Trung tâm, trong đó có vai trò cá nhân của người đứng đầu là cô giáo Minh.

Mỗi lần đi thăm lớp, kiểm tra việc ăn uống, sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa của các em, cô giáo Minh đều nhận được sự biểu cảm, chào đón rất mực thân thương. Những em biết nói gọi cô là mẹ Minh đầy trìu mến, các em bị câm viết vào giấy trắng 2 chữ mẹ Minh nắn nót, có em mỗi khi thấy mẹ Minh xuất hiện thì ra ký hiệu chào hỏi, đòi bế, nũng nịu... Cuộc nói chuyện giữa cô giáo Minh và học trò lúc nào cũng bằng cách gọi mẹ xưng con và ngược lại dường như trở thành lẽ đương nhiên quá đỗi thân thuộc.

Qua lời kể của đồng nghiệp và người thân, nhiều năm qua, cô giáo Minh luôn dành thời gian ở Trung tâm nhiều hơn ở nhà. Không riêng gì thời điểm dịch Covid-19, chuyện cô giáo Minh nhiều đêm ngủ lại Trung tâm để chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ, hay xử lý sự cố, ốm đau bệnh tật của các em đã trở thành chuyện thường tình.

Quang cảnh quán cà phê Lặng Art của học sinh khiếm thính tại số 1 Nguyễn Khuyến, Phường 5, TP Đà Lạt

Quang cảnh quán cà phê Lặng Art của học sinh khiếm thính tại số 1 Nguyễn Khuyến, Phường 5, TP Đà Lạt

HOA NỞ GIỮA NGÀN HOA

Cô giáo Minh chia sẻ: Ở đây, tiếng nói, tiếng cười hình như đứng ngoài khung cửa. Âm thanh cuộc sống hình như cũng được cảm nhận rất mơ hồ chỉ bằng trực giác, bằng trái tim và ánh mắt; cũng không có những bài hát được vang lên trong những buổi sinh hoạt; không có những lời chào hỏi ríu rít, ríu ran; không có những bông hoa, món quà tặng thầy cô trong những ngày lễ... Nhưng, mọi người trong Trung tâm đều cảm nhận hạnh phúc thật đủ đầy bởi sự thay đổi, trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh khiếm thính và sự quý mến, tin cậy của các bậc phụ huynh.

Tại Trung tâm, đến nay đã có tới 7 lớp học nghề may, thêu, pha chế, vẽ trên các chất liệu, làm bánh, đan sợi trang trí và làm trà hoa. Điều đặc biệt, Trung tâm có 5 giáo viên nguyên là học sinh cũ của Trường Khiếm thính đã tốt nghiệp đại học nay tình nguyện trở lại phục vụ lâu dài. Lại càng cảm động hơn khi có những trường hợp từng là lứa học trò ngày trước nay đã thành vợ thành chồng, đang sống rất hạnh phúc và trở thành giáo viên nguyện tận tâm cống hiến cho Trung tâm. Họ đang là niềm tự hào, là những tấm gương về nghị lực để cho tất cả học sinh đang học tập và sinh sống tại đây noi theo.

Song song với việc giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, việc hướng nghiệp dạy nghề cho các em luôn được Trung tâm quan tâm với hy vọng là khi rời khỏi mái trường này, ngoài kiến thức và kỹ năng, các em sẽ có được một nghề phù hợp để có thể tự tạo lập cuộc sống cho bản thân.

Thêm một tin vui, mới đây ngày 9/11/2024, Quán cà phê Lặng Art của học sinh khiếm thính được khai trương lại tại số 1 Nguyễn Khuyến, Phường 5, TP Đà Lạt (trường dạy lái xe cũ). Quán ra đời không chỉ là niềm vui của các thầy cô ở Trung tâm mà còn là niềm mơ ước của tất cả các em đang sinh sống, học tập nơi đây. Quán cà phê Lặng Art ra đời từ sự thấu hiểu, trước những tâm tư, tình cảm, những mong muốn và căn cứ vào những khả năng đặc biệt của trẻ em khiếm thính nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung. Đây cũng là nơi trưng bày tất cả những sản phẩm hết sức dễ thương được làm ra từ những đôi tay cực kỳ khéo léo, gói ghém những tâm tư, mơ ước và rất nhiều hy vọng, niềm tin về một tương lai tươi đẹp đang chờ các em phía trước.

“Vậy là cũng đã 30 năm gắn bó chỉ với một điểm đến duy nhất, không một chút nuối tiếc; chỉ có sự lặng lẽ trong công việc, sự mộc mạc trong cách nghĩ, cách làm trong một môi trường mà rất nhiều người không dám đến, không dám nghĩ, không dám làm. Hơn thế nữa, những điều nhận được dành cho bản thân và những giáo viên, nhân viên công tác tại Trung tâm này là sự bình yên trong tâm hồn, sự trong sáng trong suy nghĩ và rất nhiều sự lạc quan. Các mảnh đời thiếu hụt may mắn nhưng đầy nỗ lực và khát vọng vươn lên ở đây đã vun đắp thêm cho bản thân và rất nhiều người khi đến đây niềm tin yêu cuộc sống” - Cô giáo Minh chia sẻ trong xúc động.

Cô giáo Minh cho biết, chỉ còn vài năm nữa thôi sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Ngày ấy, cô giáo Minh hy vọng sẽ được trở lại nơi đây, nơi mà mình đã gắn bó hết những tháng năm của tuổi trẻ, suốt tuổi trung niên và những chuỗi ngày tóc đã pha màu sương khói. Xin được trở lại đây với vai trò là một cộng tác viên để được đọc sách cho các em khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu - một thứ ngôn ngữ của trái tim, để được thấy các em lắng nghe những câu chuyện kể bằng những ánh mắt yêu thương - Thay cho lời kết, cô giáo Minh đã bộc bạch từ đáy lòng, từ cái tâm của một cô giáo, người mẹ thứ hai của các em.

Vâng! Những bông hoa đẹp như cô giáo Minh vẫn đang tiếp tục nở trên vùng đất ngàn hoa. Những thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng vẫn đang viết tiếp những câu chuyện nhân văn bằng niềm vui, hạnh phúc của chính họ và đang góp phần chắp cánh ước mơ dành cho những mảnh đời kém may mắn.

SƠN NAM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/giao-duc/202411/chao-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-me-minh-cua-nhung-hoc-tro-khiem-thinh-15316cf/