Chào năm học mới 2020-2021
Sáng nay, 5-9, học sinh, các thầy cô giáo trên cả nước cùng hòa chung trong không khí vui tươi, tham dự lễ khai giảng năm học mới. Năm học 2020-2021 cũng là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai bắt đầu từ lớp 1.
Sáng nay, 5-9, học sinh, các thầy cô giáo trên cả nước cùng hòa chung trong không khí vui tươi, tham dự lễ khai giảng năm học mới. Năm học 2020-2021 cũng là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai bắt đầu từ lớp 1.
Năm học mới, ngành giáo dục tiếp tục đề ra mục tiêu vừa triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục của năm học, vừa bảo đảm thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; hay còn được cho là mục tiêu kép: "Vừa dạy tốt học tốt, vừa phòng chống dịch an toàn".
Học sinh dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) (Ảnh: PHAN MINH)
Tại Hà Nội, khoảng 2,1 triệu học sinh Thủ đô đến trường khai giảng năm học mới. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố vào sáng 5-9 theo hình thức trực tiếp. Tùy theo điều kiện thực tế, nhà trường bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định, chú trọng nội dung đón học sinh đầu cấp. Các đơn vị, trường học có diện tích nhỏ, hẹp tổ chức tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác. Số học sinh còn lại bố trí dự khai giảng trong lớp học.
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường (Ảnh: DUY LINH)
Về thời gian, chương trình lễ khai giảng được yêu cầu tổ chức ngắn gọn trong thời gian không quá 45 phút, trang trọng, ý nghĩa, bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp; không thả bóng bay…
Một số hình ảnh học sinh Thủ đô trong ngày khai giảng:
Học sinh Trường THCS Giảng Võ đón năm học mới (Ảnh: DUY LINH)
Khối lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng trong ngày khai giảng (Ảnh: HƯƠNG LÝ)
Học sinh Trường tiểu học Đan Phượng (Ảnh: QUÝ TÙNG)
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tràng An (Ảnh: QUỲNH NGUYỄN)
Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, nhiệm vụ chủ yếu xuyên suốt của năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục cần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cho những năm tiếp theo. Năm học 2020-2021 cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống kỹ năng mềm cho học sinh và bảo đảm trường học an toàn.
Ngay trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021, chỉ thị toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học.
Căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn, Giám đốc các sở GD-ĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Năm học này là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bắt đầu thực hiện từ lớp 1. Đây cũng là năm học đầu tiên Bộ GD-ĐT giảm thời lượng học tập cho học sinh cấp THCS, THPT từ 37 tuần xuống còn 35 tuần.
Cũng trong năm học này, việc tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình được thực hiện; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Xác định năm học 2020 - 2021 vẫn là một năm học khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, ngành Giáo dục sẽ linh hoạt, chủ động, tích cực ngay từ những ngày đầu tiên của năm học.
Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của Bộ trưởng GD-ĐT
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:
- Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước.
- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
- Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT;
- Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục.
- Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.
- Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT.
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
5 nhóm giải pháp cơ bản:
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT
- Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT
- Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/chao-nam-hoc-moi-2020-2021-615623/