Chào Người màu tím hoa sim
Lần đó, cách đây hơn 15 năm, tại ngôi nhà ở quê hương thi sĩ Hữu Loan, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, tôi phỏng vấn, trò chuyện rất lâu với ông. Dưới câu thơ lục bát treo trên tường ai đó tặng 'Chào Người, màu tím hoa sim / Chào chòm râu bạc đi tìm ban sơ', thi sĩ già năm đó khoảng 87 – 88 tuổi kể cho tôi nghe nhiều chuyện.
Áo phông, quần soóc, dong dỏng cao, quắc thước và tinh anh, ngồi ung dung, chẳng vồn vã cũng chẳng phải hờ hững, lạnh nhạt, ông trả lời các câu hỏi của tôi và kể chuyện.
Trước khi vào nhà với ông, tôi đi ngang một người phụ nữ bề ngoài thua ông kha khá tuổi ngồi xay bột ngoài sân. Không hiểu sao người đàn bà có gương mặt khá phúc hậu đó thấy tôi đi vào chào lại rất lặng lẽ, chỉ nhìn mà không nói gì, ngay cả hôm sau lần thứ hai tôi đến cũng vậy. Tôi đoán đây chính là người vợ sau của Hữu Loan, người vợ nông thôn tên là Nhu mà năm 1955 ông đã viết bài “Hoa lúa” để tặng, trong đó có những câu: Em là con gái đồng xanh/Tóc dài vương hoa lúa/Đôi mắt em mang chân trời quê cũ… Thấy bảo ông viết đôi mắt bà như thế là vì bà có ông bà gì đó là người Pháp chính gốc (?).
Tôi đến hỏi chuyện Hữu Loan hai buổi ở hai ngày liên tiếp. Hôm đầu đến sớm, ông tiếp tôi bằng nước chè mạn. Hôm sau tôi đến quãng gần trưa, thấy ông ngồi trên võng, tay cầm một bát ô tô cơm trên có mấy con tôm rang đỏ au, không thấy mâm bát hay rau canh gì cả. Chẳng biết ông đang ăn sáng hay ăn trưa nữa. Ông nói: “Hôm qua anh hẹn lại đến nhưng không nói giờ cụ thể để mời anh ăn cơm”. Ông cứ ngồi ăn ở võng như thế và chúng tôi tiếp tục câu chuyện.
Buổi đầu tiên, tôi hỏi ông lan man, buổi thứ hai hầu như chỉ xoay quanh người con gái trong bài thơ “Màu tím hoa sim”.
Hữu Loan kể ông làm thơ khá sớm. Bài thơ đầu tay ông viết bằng thể lục bát. Ông đọc cả bài cho tôi nghe và chẳng hiểu sao đến giờ tôi vẫn nhớ được 4 chữ cuối cùng của bài thơ là “người đi nhớ làng”. Rồi chuyện ông học xong bằng Thành Chung đi dạy học tư, rồi có lần ra trường Thăng Long ở Hà Nội dạy học cùng với nhiều người sau này thành danh nhân đất nước. Tôi thất kinh khi nghe ông chê một người mà cả nước kính trọng là “hồi đó có biết cái gì”.
Nghe chuyện Hữu Loan, tôi có cảm giác ông tự thấy mình là người đặc biệt, có “sứ mệnh”. Chẳng hạn ông kể hồi gian lao nhất, đông con, chả có kế sinh nhai gì, ông một mình hàng ngày lên núi Vân Lỗi ở xã quê nhà đào, đập đá để bán. Núi Vân Lỗi vốn truyền đời có đàn quạ đông đúc sống. Lần đó, chúng đập cánh phần phật, vờn bay quây quanh ông hoác mỏ gào quang quác như muốn đuổi vị khách không mời khỏi núi. Ông múa đòn gánh tung hoành đánh đuổi cả bầy tan tác. Từ đó chúng bỏ đi hẳn, núi Vân Lỗi bặt luôn bóng quạ… Tôi hình dung Hữu Loan lúc đó còn khỏe, đẹp phong trần, hoang dã (nhìn là biết hồi còn trẻ Hữu Loan rất đẹp), múa đòn gánh trên núi nghênh chiến bầy hắc điểu – một hình ảnh như trong võ hiệp Kim Dung.
Từ những chuyện ông kể, tôi thấy có vẻ những chuyện người ta viết xưa nay về việc ông cũng dính “họa” Nhân văn, bị đưa đi kiểm điểm, thậm chí bị giam, cải tạo rồi bị đuổi về quê chịu quản chế chưa hẳn đúng mà có lẽ thế này: hồi đó đang làm ở báo Văn Nghệ, cũng có chơi và đăng bài đôi lần trên các ấn phẩm của “Nhân văn”, thấy nhiều bạn văn bị xử lý, vốn tính ngang ngạnh, cương cường, ông đã mang vợ con bỏ về quê (1958).
Tôi hỏi thế hồi đó bạn bè văn nghệ có ai không sợ tai bay vạ gió qua lại thăm ông không, ông đáp cũng có mấy người, trong đó nhà thơ Trần Lê Văn năng nhất lần nào qua Thanh cũng lặn lội vào thăm. Vậy nên đó cũng là người ông quý nhất. Câu chuyện của ông làm tôi vốn đã ân hận càng ân hận thêm là có lần hồi còn ngựa non háu đá, làm báo tết Tiền Phong đã không xếp bài thơ của cụ Trần Lê Văn vào số vì thấy nó không hay bằng nhiều bài thơ của các nhà thơ lớp sau có trên bàn biên tập.
Nhưng những chuyện trên đây đối với tôi là phụ, vì cũng như bất cứ ai lần đầu đến với Hữu Loan, điều quan tâm nhiều nhất vẫn là “Màu tím hoa sim”. Thật là như vậy mặc dù ông còn một số bài thơ đáng nhớ khác, trong đó có “Đèo Cả” cũng là một tuyệt tác mà tôi nghĩ cũng gần ngang ngửa với “Tây Tiến” của Quang Dũng (Thử đọc những câu: “Đèo cả !/ Đèo Cả!/ Núi cao ngút/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương/ Dặm về heo hút/ Đá bia mù sương/ Bên quán Hồng Quân/ người ngựa mỏi”. Hay: “Tóc râu trùm/ vai rộng/ Không nhận ra người làng/ Rau khe/ Cơm vắt/ Áo phai màu chiến trường/ ngày thâu/ vượn hú/ Đêm gặp hùm/ lang thang”. Rồi: “Suối/ mang/ bóng/ người/ Soi/ những/ về/ đâu?”).
Hồi đó, câu chuyện về người con gái trong bài thơ “Màu tím hoa sim” chưa được viết nhiều như bây giờ, có chăng nhiều những giai thoại. Nên câu chuyện chi tiết Hữu Loan kể làm tôi kinh ngạc.
Tôi nhớ đại khái mình đã mở đầu khá ngây ngô như thế này: Trong tập thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lần đầu năm 1990, dưới tít bài thơ nổi tiếng trên có lời đề: “Khóc Lê Đỗ Thị Ninh”. Vậy Lê Đỗ Thị Ninh là ai?
Ông kể: Đầu những năm 30, ông khoảng 16 – 17 tuổi lên tỉnh lỵ Thanh Hóa học và hay đến tìm sách ở cửa bán sách của bà Tham Kỳ. Ông Tham Kỳ tên là Lê Đỗ Kỳ - một kỹ sư canh nông thành đạt thời đó, làm đến chức Tổng Thanh tra Canh Nông Đông Dương. Ông được bà Tham Kỳ chú ý có lẽ vì tuấn tú và được tiếng là học giỏi. Khi đã quen biết, bà mời Hữu Loan về làm gia sư cho các con trai của bà. Trong ba người con trai của bà Tham, chỉ có người con trai lớn Lê Đỗ Khôi là không cần Hữu Loan dạy kèm. Hai người học ông là Lê Đỗ Nguyên và Lê Đỗ Khang (sau này hai người đều trở thành những nhân vật có tên tuổi: Lê Đỗ Nguyên đi bộ đội lấy tên là Phạm Hồng Cư, thăng quân hàm lên đến trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Lê Đỗ Khang cũng vào bộ đội, lấy bí danh là Nguyễn Tiên Phong, làm đến Bí thư T.Ư Đoàn).
Khi đó, người con gái của ông bà Tham Kỳ là Lê Đỗ Thị Ninh mới 1 – 2 tuổi. Sau này, Hữu Loan vẫn giữ quan hệ với gia đình họ và coi Lê Đỗ Thị Ninh như em gái nhỏ của mình.
Năm 1945, cách mạng giành chính quyền ở Thanh Hóa, Hữu Loan giữ chức khá quan trọng là Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban Hành chính lâm thời của tỉnh vẫn qua lại nhà ông bà Kỳ và gặp cô Ninh lúc này khoảng 13-14 tuổi. Khi diễn ra Tuần Lễ Vàng, trong một cuộc mít tinh, ông thấy cô Ninh cũng đứng trong đội thiếu niên danh dự. Sau khi ông phát biểu hô hào, cô bé rút chiếc vòng vàng đeo ở tay bỏ vào thùng quyên góp. Năm 1946, Pháp tấn công, mặt trận mở ở Nam Trung Bộ, Hữu Loan cũng theo đoàn quân vào tận Phú Yên. Thế nên mới ra đời bài thơ “Đèo Cả” với cảm hứng và khẩu khí oai hùng vào cuối năm đó.
Năm 1947, Hữu Loan được giao phụ trách báo Chiến sĩ của Quân khu 4, trong số những người cùng làm với ông có Nguyễn Đình Tiên, một người họ hàng với nhà ông bà Tham Kỳ gọi bà Tham là chị (Nguyễn Đình Tiên sau này là nhà văn, có hai tác phẩm lưu lại dấu ấn là bài thơ “Dặm về” một thời bị coi là khuyết danh và cuốn sách “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn” rất ăn khách sau năm 1975).
Một lần Nguyễn Đình Tiên về Thanh Hóa trở vào kể với ông chuyện lạ là thấy cô Ninh mang chiếc va ly Hữu Loan vẫn gửi lại nhà ra sắp xếp lại quần áo, một hành động giống như người vợ chăm sóc cho vật dụng của chồng. Nguyễn Đình Tiên nhận xét và Hữu Loan cũng thấy có vẻ đúng là hình như bà Tham cũng muốn gả con gái của mình cho ông. Nghĩ đến sự chênh lệch tuổi tác giữa mình và cô Ninh (16 – 17 tuổi), Hữu Loan rất ngại ngùng, nhưng nhờ sự thúc đẩy của Nguyễn Đình Tiên và sự chủ động của bà Tham Kỳ nên đầu năm 1948 hai người đã cưới nhau tại trang ấp Thị Long của gia đình cô Ninh ở Nông Cống, Thanh Hóa. Hữu Loan cũng chuyển ra làm trưởng ban tuyên huấn một đơn vị bộ đội lớn đóng quân ở Thanh Hóa, thỉnh thoảng cũng được về nhà thăm vợ ở cách đó gần trăm cây số.
Chỉ gần 4 tháng sau ngày cưới, cô Lê Đỗ Thị Ninh vợ của nhà thơ Hữu Loan bị chết đuối tại ấp Thị Long khi đang giặt ở sông Chuồng. Hôm ấy chính là ngày gia đình cô làm xong một cái bến 21 bậc lát bằng những thanh tà vẹt. Cô Ninh đã tắm xong không việc gì, khi lội xuống giặt thì trượt chân bị nước cuốn trôi.
Hữu Loan nói các chi tiết trong bài “Màu tím hoa sim” đều thật hết. Từ chuyện “nàng có ba người anh đi bộ đội” (cả ba ông Khôi, Nguyên, Khang đều đi bộ đội ngay đầu kháng chiến chống Pháp, ông Khôi hi sinh ở Điện Biên Phủ khi đang là chính trị viên tiểu đoàn), đến “Ngày hợp hôm nàng khôi đòi may áo cưới/ Tôi mặc đồ quân nhân…”. Từ “Áo nàng màu tím hoa sim” cho đến “Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng” (vì đến năm 1949, một trong ba người anh này mới được một người quen báo tin là em gái mất, lúc đó họ chưa biết là em đã lấy Hữu Loan).
Không phải là bài thơ được viết ngay sau khi cô Ninh mất. Phải ngót 1 năm sau, khi đang dự chỉnh huấn ở Nghệ An, nghe cấp trên nói ai có tâm tư gì, nỗi niềm gì cứ nói ra, bộc lộ ra hết, nỗi đau, nỗi buồn của Hữu Loan mà Vũ Bằng trong bài trong bài “Hữu Loan: Thi sĩ ăn cơm kê vàng nổi tiếng vì bài thơ tím” ví là “tha thiết không kém cái sầu của Đường Minh Hoàng sau cái chết của Dương Quý Phi, một cái sầu “mang mang vô tuyệt kỳ” mới bục vỡ thành bài thơ tình tuyệt bút trong một thời gian ngắn đôi tiếng đồng hồ và sau này gần như không phải sửa sang gì.
Hữu Loan viết nhưng không đọc ra công khai, luôn giữ bài thơ trong túi chiếc áo mặc trên người, nhưng một hôm cởi treo, anh em cùng đơn vị lấy đọc được và bài thơ lan truyền nhanh chóng. Tất nhiên, trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân hồi đó, ông cũng có bị kiểm điểm vì tính bi lụy của bài thơ và nó cũng chẳng được đăng ở đâu. Sau năm 1954, ông được điều về Hà Nội làm báo Văn nghệ. Đến năm 1956 thì bài thơ được đăng trên báo Trăm Hoa của nhóm Nhân văn (có người nói Nguyễn Bính đem đăng). Sau đó, bài thơ không được lưu truyền công khai ở phía Bắc cho đến Đổi Mới, trong khi nó lại rất phổ biến ở phía Nam.
7 năm sau khi cô Ninh mất, ông gặp người vợ sau của mình trong một hoàn cảnh éo le. Bà là con nhà địa chủ, gia đình tan tác mất nhà sau cải cách. Năm 1955, ông về phép gặp và thương nên đưa về rồi thành vợ thành chồng. Cũng năm 1955 đó, ông viết bài thơ “Hoa lúa” để tặng bà như đã nói ở trên.
Như vậy, Hữu Loan gắn với mỗi người vợ một bài thơ mang tên một loài hoa rất phù hợp với con người và hoàn cảnh của họ. Với cô Ninh tiểu thư lá ngọc cành vàng thì là hoa sim tím lãng mạn, mộng mơ. Với bà Nhu tuy gốc cũng con nhà giàu nhưng sinh trưởng ở nông thôn và lúc lấy nhau đã xuống hàng bần cố nông rồi thì ông ví như hoa lúa. Và không loại trừ trong đời mình, con người đẹp đẽ, tài hoa đó còn có nhiều loài hoa và bài thơ khác nữa. Nhưng bài thơ tuyệt bút viết trong nỗi đau vô cùng đó khiến ông mãi là người của màu tím hoa sim.
Trong “Màu tím hoa sim”, mọi chuyện đều là thật. Từ “Nàng có ba người anh đi bộ đội” đến“Yêu nàng như tình yêu em gái”, từ “Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi may áo mới/ Tôi bận đồ nhà binh” đến“Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng”. Thật đến mức Vũ Bằng cho là “gần như không có gọt rũa, không có văn chương gì cả”. Nhưng cái thật, cái tình và nỗi buồn mênh mông trong đó khiến người đọc ai cũng đồng cảm.
Chỉ gần 4 tháng sau ngày cưới, cô Lê Đỗ Thị Ninh vợ của nhà thơ Hữu Loan bị chết đuối tại ấp Thị Long khi đang giặt ở sông Chuồng. Hôm ấy chính là ngày gia đình cô làm xong một cái bến 21 bậc lát bằng những thanh tà vẹt. Cô Ninh đã tắm xong không việc gì, khi lội xuống giặt thì trượt chân bị nước cuốn trôi.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chao-nguoi-mau-tim-hoa-sim-1511236.tpo