'Chắp cánh' cho hợp tác xã

Với phương châm, tăng 20% thu nhập cho người trồng lúa bằng cách giảm chi phí đầu vào, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, liên kết nông dân sản xuất theo hình thức tập trung làm cùng giống lúa tạo ra hàng hóa lớn, dễ dàng trong liên kết tiêu thụ lúa, cùng với đó là việc cơ cấu mùa vụ hợp lý, dùng các giống lúa chất lượng cao, có 20 HTX được đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Đó là một trong những mục tiêu mà Dự án VnSAT đặt ra và triển khai thực hiện tại các địa phương trên địa bàn và qua quá trình thực hiện đã mang lại nhiều thành quả tích cực cho các HTX. Qua đó, được các HTX và nông dân trong vùng dự án đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao.

Gần 14 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (Kế Sách) được rất nhiều nông dân biết đến bởi đây là một trong các HTX canh tác lúa đem về nguồn thu tăng đáng kể cho hộ dân sau khi tham gia Dự án VnSAT vào năm 2016. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát Nguyễn Văn Đậm chia sẻ: “Trước 2016, bà con canh tác lúa theo truyền thống nên sạ dầy, bón nhiều phân đạm làm cho nhiều loại dịch hại phát sinh, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập, chất lượng lúa hạn chế bởi sử dụng các giống lúa thường, tiêu thụ khó khăn. Khi được Dự án VnSAT đầu tư, thành viên và bà con nông dân vùng dự án được tập huấn 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm. Qua việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do dự án hỗ trợ, nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 50kg đến 60kg giống lúa/ha, hạn chế từ 2 đến 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn thăm kho trữ lúa tại HTX Nông nghiệp Tín Phát do Dự án VnSAT đầu tư.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn thăm kho trữ lúa tại HTX Nông nghiệp Tín Phát do Dự án VnSAT đầu tư.

Cũng theo thông tin từ ông Đậm, nếu so với bên ngoài thì năng suất lúa tại vùng dự án tăng 20%, tăng lợi nhuận 3 triệu đồng/ha. Tuy số tiền chưa lớn nhưng đã thay đổi được ý thức của nông dân trong việc sản xuất lúa gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh việc triển khai các lớp tập huấn thì HTX còn được dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị bằng việc xây dựng kho chứa lúa, trong đó có lò sấy tổng công suất 40 tấn, giá trị 320 triệu đồng, cùng thiết bị tách hạt công suất từ 700kg đến 1 tấn/giờ, băng tải lúa, máy đóng bao…

“Tới đây, HTX bảo quản tốt công trình, trang thiết bị được Dự án VnSAT đầu tư, tập trung xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, khai thác hiệu quả dự án đầu tư cũng như lợi thế địa phương đã có, khuyến cáo bà con nông dân trong vùng dự án thực hiện tốt quy trình “3 giảm 3 tăng” vào đồng ruộng, giữ vững mối liên kết với doanh nghiệp khâu đầu vào và đầu ra sản phẩm lúa. Đồng thời, mở rộng mô hình cánh đồng lớn của xã từ 500ha lên 1.000ha, tiếp tục triển khai mô hình cung ứng vật tư nông nghiệp gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, có kế hoạch vận hành lò sấy và máy tách hạt trong vụ Hè - Thu 2019, thu mua một số diện tích lúa trên địa bàn HTX để sơ chế nhằm tạo công ăn việc làm tại địa phương, giúp bà con có thu nhập thêm theo mùa vụ…” - ông Nguyễn Văn Đậm thông tin thêm.

Đánh giá về những lợi ích Dự án VnSAT đem đến cho HTX, ông Sơn Thanh Phong - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) chia sẻ: “Giờ đây, toàn thể thành viên HTX đã tiếp thu được các kiến thức trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên quản lý được dịch bệnh trên lúa, góp phần tăng năng suất lúa sau thu hoạch, tăng thêm lợi nhuận từ 2 triệu đến 5 triệu/ha. Hiện dự án đang đầu tư cho HTX 3 cây cầu và nhà kho, trong đó có lò sấy. Với các trang thiết bị này, HTX sẽ sấy lúa cho thành viên trong vụ Hè - Thu để trữ lúa chờ giá. Khi có đầy đủ trang thiết bị, HTX sẽ vận động nông dân tham gia vào HTX để tăng diện tích canh tác lúa nhằm tăng sự liên kết sản xuất, dễ dàng tiêu thụ lúa sau thu hoạch bằng việc ký kết doanh nghiệp bao tiêu…”.

Giám đốc Dự án VnSAT tại Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Vân cho biết: “Trong những năm tiếp theo về việc thực hiện dự án tại tỉnh, dự án sẽ tập trung chỉ đạo và mở rộng các HTX hiện có và thành lập mới các tổ chức nông dân với quy mô trên 500ha hoặc 500 hộ gắn với phát triển cánh đồng lớn tập trung, liên kết với doanh nghiệp, chú trọng công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý điều hành HTX để tạo cơ chế linh hoạt, cạnh tranh trong sàng lọc để được đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho tổ chức nông dân theo tiêu chí của dự án, phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 10 HTX được Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị …”.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chap-canh-cho-hop-tac-xa-29443.html