Chắp cánh cho nông sản bay xa

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến hết năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 74 sản phẩm được hỗ trợ tiêu chuẩn hóa theo Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm (OCOP) hay còn gọi là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Quyết định 1048/QĐ - TTg 2019 của Chính phủ). Các nông sản sẽ được gắn sao theo các tiêu chí của 26 bộ sản phẩm, bao gồm các tiêu chí cụ thể về: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (năng lực sản xuất sạch, liên kết trong sản xuất, bảo vệ môi trường); khả năng tiếp thị; Chất lượng sản phẩm (đủ tiêu chuẩn nội địa và khả năng xuất khẩu).

Mục đích của việc gắn sao tiêu chuẩn hóa cho nông sản là hướng tới việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là công tác vô cùng quan trọng (hay còn
gọi là sản phẩm sạch), cùng đó là tạo thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá, phát triển thị trường... việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông sản sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua hàng. Như vậy, về nguyên lý những sản phẩm được chuẩn hóa theo quy trình OCOP là những sản phẩm đảm bảo về chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì, tăng sức cạnh tranh thị trường. Với sự nỗ lực của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, những sản phẩm OCOP sẽ càng ngày càng được nâng tầm, có thể vươn cánh bay xa.

Một số vấn đề cần lưu ý là, mỗi sản phẩm được gắn sao theo tiêu chuẩn OCOP chỉ có giá trị trong 3 năm kể từ ngày quyết định công nhận. Nếu các hộ sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp thường xuyên quan tâm chăm lo cho các tiêu chí thì sản phẩm nông sản sẽ được nâng hạng. Ngược lại sẽ có những sản phẩm sẽ bị rớt hạng, không đủ điều kiện gắn sao theo tiêu chuẩn OCOP, nếu không đảm bảo các tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xa-luan-vdkn/chap-canh-cho-nong-san-bay-xa-134984.html