Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước
Không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị mà Hà Nội còn được coi là điểm sáng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
Nhận định này được ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại sự kiện “Techconnect and Innovation Vietnam 2024”, do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hà Nội đồng tổ chức.
Sự kiện diễn ra từ ngày 30/9 đến hết 1/10, nhằm chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Giải phóng thủ đô (1954-2024).
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, với những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã thu hút hơn 300 Dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỉ USD.
“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Năm 2024 cũng được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội.
Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Với thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Lê Hồng Sơn nói thêm rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung những chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến.
“Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực”, ông Sơn khẳng định.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào R&D, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới quan trọng của luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới. Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Sơn nói.
Được biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội đã sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng. Tổng số dự án đã thu hút vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến nay là 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.