'Chắp cánh' cho OCOP Sóc Trăng

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã quyết tâm thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng những việc làm cụ thể. Đến nay, Chương trình OCOP đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Những thành quả ban đầu…

Sau thời gian triển khai thực hiện, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh, trong đó, có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao; đang đề nghị Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn 5 sao đối với 8 sản phẩm. Sản phẩm chủ yếu tập trung vào các nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược.

Nấm linh chi được dùng chế biến các sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh của Công ty TNHH Thiên Vạn Tường. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao ở huyện Châu Thành chia sẻ: “Qua 20 năm hoạt động, công ty có hơn 20 mặt hàng chế biến từ nông sản, như: nấm rơm, bắp non, hạt sen, dứa, ớt… Khi biết Chương trình OCOP phù hợp nhu cầu khi hỗ trợ công ty phát triển ngày càng bền vững hơn nữa thì công ty đã đăng ký tham gia và đã có 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hiện tại, công ty được ngành chuyên môn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung ương nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh lên sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương”.

Theo chia sẻ của các chủ thể OCOP thì lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình này là tạo được sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, đem đến cơ hội cung cầu cho doanh nghiệp qua các hội nghị triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm đến quý khách trong và ngoài nước, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều, xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm) Dương Minh Trung chia sẻ: “Một trong những yếu tố hỗ trợ công ty trong việc phát triển thị trường khi tham gia vào Chương trình OCOP đó là được ngành liên quan kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm đầu ra do công ty sản xuất. Công ty chúng tôi hiện có 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh, thông qua việc đạt sao OCOP đã góp phần nâng cao mức độ tin cậy cũng như sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo thêm động lực để công ty cải tiến sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa và tăng hiệu quả xúc tiến thương mại, giúp cho những sản phẩm chất lượng của công ty đến tay người tiêu dùng ngày một nhiều hơn”.

Công ty TNHH Cẩm Thiều với đa dạng các sản phẩm sản xuất từ trái mãng cầu gai đạt chứng nhận các sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là một trong những cơ sở có sản phẩm đạt hạng sao OCOP “xuất ngoại”, bà Trương Thị Lệ - cơ sở bún khô Lệ Châu (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Nhờ tham gia vào Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất có nhiều tiến triển tốt, một số trang thiết bị trong sản xuất được ngành liên quan hỗ trợ nâng cấp nên sản lượng hàng hóa sản xuất tăng đáng kể. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở không chỉ cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang Campuchia, ký kết qua trung gian xuất sang thị trường Nhật”. Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 2 năm Chương trình OCOP, giai đoạn 2018 - 2020, trong tháng 9-2020 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận cho rằng, sản phẩm OCOP có tầm quan trọng đặc biệt. Thấy rõ tiềm năng, lợi thế thông qua Chương trình OCOP, tỉnh triển khai thực hiện tại các địa phương, TP. Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của chương trình. Qua gần 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, TP. Sóc Trăng bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan; đến nay, toàn thành phố đã có 38/99 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ trên 38%”.

Và “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP vươn xa

Theo mục tiêu Đề án chương trình OCOP, đến năm 2020 toàn tỉnh có 35 sản phẩm, đạt các sao OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5-2019 (đề án được UBND tỉnh phê duyệt và thông qua thực hiện) đến tháng 9-2020, tỉnh đã có tổng số 99 sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh. Đó là một thành quả rất nổi bật, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành liên quan, địa phương và sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho rằng: “Để sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển vững mạnh, các địa phương cần xác định đây là chương trình tạo ra sản phẩm địa phương có chất lượng, tạo điểm nhấn riêng cho sản phẩm của địa phương. Do đó, địa phương tạo cơ hội thuận lợi để các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm tham gia chương trình. Riêng với các chủ thể OCOP, nên tính toán về thị trường tiêu thụ sản phẩm, do chủ thể sản xuất và mở rộng kết nối tiêu thụ bằng cách tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm thông qua đổi mới trang thiết bị sản xuất để nâng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành liên quan phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã đạt sao OCOP…”.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: “Để Chương trình OCOP phát triển bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025 thì mục tiêu chung của tỉnh là phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 35 sản phẩm, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia. Song song đó, tỉnh sẽ nâng chất lượng cho các sản phẩm tham gia thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao. Bên cạnh đó, nhằm tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chuyên môn về Chương trình OCOP và chủ thể tham gia OCOP nắm chắc các quy định về chương trình. Tỉnh sẽ đào tạo, tập huấn các kiến thức cần thiết; đồng thời, hỗ trợ các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chap-canh-cho-ocop-soc-trang-44183.html