Chấp hành viên kể chuyện đương sự giữ bò để níu kéo hôn nhân và cái kết bất ngờ

'Hơn một năm sau, anh A cùng chị B đến cơ quan gặp tôi xin sao y bản án.Tôi hỏi xin để làm gì thì cả hai đều trình bày là xin để kết hôn lại. Thực sự, khi đó, tôi cảm thấy rất vui'

Tác giả Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận

Tác giả Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận

Ly hôn, chồng nhất định không trả bò cho vợ

Khi còn làm Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện HTB, tôi có thụ lý tổ chức thi hành bản án hôn nhân gia đình với nội dung buộc ông A (chồng) hoàn trả cho bà B (vợ) 02 con bò.

Trong qua trình thi hành án, ông A chống đối không tự nguyện thi hành và cũng không hợp tác với cơ quan thi hành án.

Qua xác minh, biết ông A đang sống chung với cha mẹ nhưng thường xuyên vắng mặt tại địa phương và không xác định được hai con bò trên ở đâu.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự vì đương sự chống đối, cố tình tẩu tán tài sản nhằm không chấp hành bản án, cơ quan thi hành án phối hợp với cơ quan công an triệu tập ông A đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã làm việc.

Anh Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cho biết, thuyết phục, vận động đương sự là một trong những kỹ năng mà người làm công tác thi hành án dân sự luôn chú trọng

Anh Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cho biết, thuyết phục, vận động đương sự là một trong những kỹ năng mà người làm công tác thi hành án dân sự luôn chú trọng

Sau khi nghe các ban ngành giải thích, động viên, thuyết phục và biết nếu cố tình chống đối không chấp hành án thì có thể bị xử lý hình sự, anh ta bật khóc nói rằng:

- Em không tranh giành gì tài sản đó cả. Em giữ lại là vì mong muốn cô ấy quay về. Em không muốn mất vợ con.

Tôi nhẹ nhàng thuyết phục:

- Anh làm như vậy, chị ấy sẽ nghĩ anh coi thường chị ta hoặc nghĩ là anh tham lam, ích kỹ, coi tài sản lớn hơn tình nghĩa thì làm sao quay lại với anh được. Nếu anh có mong muốn như vậy, thì tốt nhất là bây giờ không những nên giao tài sản cho cô ấy mà còn giao nhiều hơn những gì mà bản án tuyên để cô ta cảm nhận được sự trượng nghĩa và tình thương của anh dành cho vợ con. Làm như vậy thì may ra còn hy vọng có ngày cô ấy quay lại.

Như hiểu ra vấn đề, anh ta khẽ hỏi:

- Em phải làm gì bây giờ anh ơi?

Tôi khuyên:

- Sau khi giao tài sản xong rồi thì theo thuyết phục cô ấy quay lại.

Với vẻ mặt thiếu tự tin, anh ta lẩm bẩm:

- Có được không anh? thuyết phục bằng cách nào?

Tôi an ủi:

- An tâm đi, ngày xưa anh chinh phục cô ấy thế nào thì bây giờ làm lại y như vậy hoặc làm hơn thế nữa là có thể thành công.

Sau đó, anh A tự nguyện giao tài sản cho chị B theo đúng án tuyên và vụ việc giải quyết xong.

Hơn một năm sau, anh A cùng chị B đến cơ quan gặp tôi xin sao y bản án.Tôi hỏi xin để làm gì thì cả hai đều trình bày là xin để kết hôn lại.

Thật lòng là để thuyết phục anh A tự nguyện thi hành án, tôi nói như vậy chứ mức độ thành công thì không tin tưởng mấy nhưng không ngờ đạt kết quả mỹ mãn như vậy. Lúc đó. thật sự tôi rất vui, cảm thấy như đang đóng góp một điều gì đó tốt đẹp cho đời.

Khi nhận sao y bản án, hai người vui mừng và cảm ơn tôi ríu rít. Tôi chúc anh chị kết hôn lần này sống hạnh phúc mãi mãi với nhau mà quan trọng nhất là không được làm phiền tôi thêm lần nữa. Cả hai cười vui vẻ cùng nói: “chắc không có đâu anh”.

Niềm vui của người làm công tác thi hành án

Trong nghề thi hành án dân sự, tôi không ít lần giải quyết vụ việc đạt kết quả như trên. Đó là những khoảng khắc rất phấn khởi và hạnh phúc mà tôi không thể nào quên. Nó chính là nguồn động viên rất lớn đối với cái nghề khó tìm thấy niềm vui này.

Tác giả Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cho biết, nghề thi hành án có những niềm vui khó tả khi thuyết phục được đương sự chấp hành bản án

Tác giả Phạm Văn Lại, Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cho biết, nghề thi hành án có những niềm vui khó tả khi thuyết phục được đương sự chấp hành bản án

Trong công tác thi hành án dân sự, việc vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những giúp việc thi hành án được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian, ít tốn kém về công sức, tiền bạc để tổ chức thi hành án, hạn chế phải cưỡng chế thi hành án, đơn thư khiếu nại, tố cáo,… mà còn giúp các bên đương sự giữ được mối quan hệ tình cảm với nhau, hiểu biết nhau hơn và hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nức, tổn thương sau quá trình tranh chấp, góp phấn gìn giữ tình làng, nghĩa xóm, tình thân họ hàng ruột thịt.

Khi vướng phải vấn đề pháp lý phức tạp như: ly hôn, chia tài sản, trả nợ, bồi thường, tranh chấp,… thì việc lựa chọn quyết định đúng đắn trở nên rất khó khăn. Nhất là đối với người có trình độ hiểu biết pháp luật và xã hội thấp. Hơn nữa, người trong cuộc thường không sáng suốt bằng người ngoài cuộc.

Do vậy, Chấp hành viên nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu và tư vấn cách giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý giúp giảm thiểu rủi ro, mất mác. Như vậy, việc vận động đương sự tự nguyện thi hành án mới có khả năng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để làm tốt điều này, Chấp hành viên ngoài việc nắm chắc pháp luật, còn phải có trình độ hiểu biết xã hôi tốt, có khả năng diễn đạt, nhất là phải có lòng trắc ẩn và cái tâm thật sự trong sáng. Ngoài ra, cũng cần có sự hỗ trợ nhiệt tình và có trách nhiệm từ các ban ngành, đoàn thể ở địa phương.

Phạm Văn Lại

Phó Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chap-hanh-vien-ke-chuyen-duong-su-giu-bo-de-niu-keo-hon-nhan-va-cai-ket-bat-ngo-post540521.html