'Chắp mối' tiêu thụ nông sản cho nông dân Sóc Sơn
Ngày 29/9, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Diễn đàn là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX) kết nối với tổ chức, DN đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, đến nay, huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, trong đó, lúa là 17.500ha, rau 1.800ha, cây ăn quả 1.500ha; bước đầu hình thành các khu chăn nuôi xa khu dân cư và những vùng nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 5 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận, gồm: Rau hữu cơ Sóc Sơn, Chè Bắc Sơn, Bưởi sạch Sóc Sơn, Gà đồi Sóc Sơn, Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, nhiều loại nông sản của huyện vẫn còn gặp khó trong khâu tiêu thụ, nhất là vào hệ thống phân phối hiện đại.
Chia sẻ về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện nay HTX có 50ha trồng đu đủ và 30ha trồng chuối tiêu hồng theo quy trình VietGAP. Với sản lượng hàng năm lên tới 100.000 tấn đu đủ và 60.000 tấn chuối, nhưng khâu tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào kênh thương lái nên giá cả rất bấp bênh. “Thời điểm này, giá đu đủ xuống thấp chỉ 6.000 đồng/kg, giá chuối tiêu hồng chỉ 3.000 đồng/kg. Vì vậy, HTX rất cần liên kết với DN theo chuỗi để tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.”
Hộ anh Nguyễn Văn Nội, ở xã Mai Đình đang nuôi 30.000 con gà sao thương phẩm. Trung bình mỗi tháng anh Nội xuất bán ra thị trường 2.500 con qua kênh thương lái đi các tỉnh với giá bán 160.000 đồng/con. Mong muốn của anh Nội là được ký hợp đồng trực tiếp với DN để đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn TP.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để sản phẩm nông nghiệp vào được hệ thống phân phối hiện đại, nông dân, HTX cần chú trọng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu; sản lượng đồng đều; giá thành hợp lý… Bên cạnh đó, nông dân, HTX cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường.
Theo Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, nông dân cần bán những gì thị trường cần thay vì bán những sản phẩm mình có. Các HTX có thể liên hệ với Trung tâm trưng bày, giới thiệu, phân phối nông sản thực phẩm an toàn (489 Hoàng Quốc Việt) để quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản.
Gợi mở về giải pháp thu hút DN tham gia liên kết chuỗi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng: “Nông dân lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các DN tin tưởng, sẵn sàng bắt tay liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với bà con”.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy nhận định, mặc dù Sóc Sơn có nhiều loại nông sản chất lượng cao, song khâu liên kết còn yếu nên ngoài tổ chức sản xuất tốt, người sản xuất, HTX cần liên kết với nhau, nhất là ở những khâu như: Bảo quản sau thu hoạch, sơ chế sản phẩm... Về phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cần xúc tiến hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các mô hình điểm về kho lạnh bảo quản, dây chuyển chế biến… góp phần gia tăng giá trị nông sản.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động hỗ trợ nông dân, HTX kết nối với DN để tiêu thụ nông sản càng trở nên cấp thiết.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến tiêu thụ nông sản nhằm kéo DN xích lại gần nông dân, HTX. Từ đó cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro trong liên kết chuỗi, chung tay đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn tới tay người tiêu dùng Hà Nội.
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa một số hộ sản xuất, HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn với 2 DN: Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam và Công ty CP thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chap-moi-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-soc-son-397374.html