Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng
Khi chính thức di dời về Bến xe Miền Đông mới (quận Thủ Đức, TP HCM) đã thiếu vắng 300 chuyến xe. Thiếu hụt lượng xe này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình kinh doanh của bến xe mới.
Tình trạng đìu hiu ở Bến xe Miền Đông mới đã được các doanh nghiệp vận tải hành khách dự báo từ khi… còn trên giấy. Trước hết là địa điểm mới xa trung tâm thành phố, giao thông kết nối chưa đồng bộ nên việc đi lại khó khăn. Thứ hai, trong bối cảnh phát triển quá nhiều loại hình vận tải hành khách, mô hình "chờ khách đến mua vé" tại bến đã không còn phù hợp như trước đây.
Phải thừa nhận bến xe mới rất khang trang, rộng rãi. Nhà đầu tư hy vọng với 4.000 tỉ đồng, diện tích 16 ha có thể hấp dẫn bất cứ hành khách có nhu cầu nào đi xe đường dài. Thế nhưng, thực tế rất đáng ngại: hoạt động từ tháng 10-2020 đến nay nhưng lượng khách vẫn rất ít. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, mỗi ngày chỉ phục vụ chưa đến trăm người. Nay hoàn tất giai đoạn 2, di dời thêm 79 tuyến xe hoạt động từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào nhưng "bốc hơi" 300 chuyến xe. Không khó lý giải tình trạng vắng chuyến trong tình hình ế ẩm của bến xe này.
Xây dựng bến xe khang trang chỉ là điều kiện cần, còn muốn thu hút được hành khách bắt buộc phải có hàng loạt điều kiện khác mang tính sống còn, như sự tiện lợi, chất lượng phục vụ trên từng chuyến xe, sự an toàn về tài sản và sức khỏe khi sử dụng dịch vụ… Quan trọng hơn, nhu cầu của hành khách đã tăng cao theo điều kiện kinh tế. Họ không còn để bản thân phụ thuộc vào kiểu phục vụ rất cũ như vài chục năm trước là khi có nhu cầu phải tay xách nách mang ra xếp hàng mua vé ở bến xe mà không biết xe chở mình như thế nào, có thoải mái hay không.
Hiện nay có đến cả ngàn đơn vị vận tải hành khách từ các tỉnh, thành phía Nam đến TP HCM và ngược lại. Nhiều doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của hành khách và đã thay đổi cách phục vụ từ rất lâu rồi. Doanh nghiệp tổ chức nơi trung chuyển, đặt xe qua điện thoại, đầu tư thay xe mới. Chỉ cần một cuộc gọi, hành khách sẽ được đón tận nhà và đưa tận điểm đến. Ví dụ, muốn đi TP Phan Thiết, chỉ cần gọi điện thoại đến tổng đài nhà xe. Tài xế sẽ hẹn giờ đến đón tận nhà (có thể bằng xe trung chuyển), xe giường nằm, máy lạnh phục vụ nước uống, nghỉ ở trạm dừng chân và đưa đến tận nhà. Giá vé chỉ từ 150.000 - 170.000 đồng. Mức giá này không cao hơn bao nhiêu so với vé bán tại bến xe, trong khi không phải mất cả giờ đi xe buýt hoặc tốn thêm tiền đi taxi và còn phải chờ đợi khởi hành. Mặt khác, nhà xe còn tổ chức các chuyến đêm đến 22 giờ hoặc 3-4 giờ sáng với loại xe dưới 15 chỗ, rất tiện lợi cho hành khách có nhu cầu đột xuất.
Phải chấp nhận một thực tế khác, là xe cho thuê tự lái ngày càng nhiều, xe công nghệ, xe dịch vụ riêng cho gia đình cũng phát triển nhanh chóng nên thị phần vận tải hành khách càng bị chia nhỏ. Đầu tư mấy ngàn tỉ đồng xây bến xe thì hẳn nhà đầu tư đủ lực để tổ chức các loại hình dịch vụ để chấp nhận cuộc cạnh tranh này ngày càng khốc liệt và theo hướng phục vụ nhu cầu dần cao của người trả tiền. Điều cốt yếu là phải từ bỏ tư duy đã rất cũ: chờ khách hàng đến trả tiền!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/chap-nhan-canh-tranh-song-phang-20221027223326767.htm