Chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh vẫn khó bán nợ xấu

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt khoản nợ nghìn tỷ với tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản đang được các ngân hàng mang ra thanh lý. Mặc dù chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh ngân hàng vẫn chưa bán được nợ xấu.

Trong bối cảnh số lượng nợ xấu không bán được ngày càng nhiều do đại dịch Covid-19, Nghị quyết 42 lại sắp hết hiệu lực thi hành, càng làm cho quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD và VAMC sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được.

"Nặng gánh" nợ xấu nửa cuối năm

BIDV mới đây đã ra thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với số dư nợ gốc và nợ lãi tính đến 2/7/2021 là 475 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc của khoản vay là 267 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 208 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng hai bên thực hiện từ năm 2010.

BIDV đang rao bán nhiều bất động sản để thu hồi nợ xấu.

BIDV đang rao bán nhiều bất động sản để thu hồi nợ xấu.

Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 10 BIDV rao bán khoản nợ này. Trong 9 lần rao bán trước đó, dù đã liên tục giảm giá khởi điểm của khoản nợ, ngân hàng vẫn thanh lý bất thành.

Trong lần rao bán thứ 10 này, giá khởi điểm BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ, tương đương số dư nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng đã chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh trong hợp đồng tín dụng đã ký nhà sản xuất thép có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa Đông, tỉnh Long An.

Không riêng khoản nợ của Thép Việt Nga, BIDV cũng đang lựa chọn tổ chức thẩm định và bán đấu giá nhiều khoản nợ khác với giá trị từ vài trăm cho tới hơn nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đang tìm tổ chức thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo của khoản vay phát sinh tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng. Khoản nợ này có số dư đến đầu tháng 3 năm nay là 1.179 tỷ đồng, được đảm bảo bằng nhiều nhà đất và dây chuyền sản xuất gạo.

Từ trường hợp của BIDV có thể thấy, hoạt động đấu giá tài sản để thanh lý nợ vẫn chưa hạ nhiệt trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng ở mức cao và được cho là sắp lộ diện thời gian tới.

Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia ngân hàng phân tích, nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực do Nghị quyết 42 vẫn có hiệu lực, đồng thời ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ của NHNN sẽ chỉ có hiệu lực tới 30/6/2022. Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022.

Cần nhanh chóng luật hóa nợ xấu

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng luật hóa nợ xấu để tăng thêm quyền cho các ngân hàng, có như vậy thì nợ xấu mới sớm được thu hồi.

Trao đổi tại Hội thảo “Cần Luật hóa NQ 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”, được tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra cảnh báo: “Nếu cuối năm nay Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu. Khi đó, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu sẽ phức tạp do chưa có tiền lệ nên cơ quan chức năng sẽ mất nhiều thời gian nghiên cứu để đảm bảo các quy định đưa ra bao quát được mọi vấn đề, không gây chồng chéo giữa các bộ luật… Trong khi đó, chỉ còn 5 tháng nữa là Nghị quyết 42 hết hiệu lực nên trước mắt cần phải ưu tiên gia hạn Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, vừa tránh khoảng trống pháp lý trong khi đợi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành.

“Trước nguy cơ nợ xấu tăng lên trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh, việc gia hạn Nghị quyết 42 là rất cấp bách. Nếu không tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị quyết 42 sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh.

NHNN cho biết đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 15/8/2025. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Theo đánh giá của ông Lực, việc tiến hành xây dựng luật hóa Nghị quyết 42 theo 2 bước: một là gia hạn điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Sau đó xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/chap-nhan-mat-toan-bo-tien-lai-phat-sinh-van-kho-ban-no-xau-1084247.html