Chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án, tổng vốn 3.129 tỷ đồng tại Quảng Bình
Ngày 25-6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 'Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2023'.
Với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, hội nghị cung cấp thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư đến các nhà đầu tư.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo.
Về phía Hà Nội, tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Nhận diện tiềm năng đích thực
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; năm 2050, là nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây.
Theo Quy hoạch, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Trong đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình).
Hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ được quan tâm, đầu tư từng bước theo hướng đồng bộ, toàn diện. Ngoài tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Về cảng biển, có khu bến Hòn La, khu bến Mũi Độc - chuyên phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025-2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); khu bến sông Gianh…
Bên cạnh đó, Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không có hoạt động bay quốc tế. Khi đủ điều kiện, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…
Giải pháp hiện thực hóa quy hoạch
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chính sách thu hút đầu tư, Quảng Bình đã công khai, minh bạch cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã công bố các cam kết với nội dung đồng hành và phục vụ doanh nghiệp.
Quảng Bình xác định 3 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối cửa khẩu Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tỉnh cũng chủ trương triển khai 4 trụ cột phát triển, gồm: Tập trung đầu tư du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế, coi đây là khâu đột phá; phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến và chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, coi đó là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Cuối cùng là phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định tầm quan trọng của việc công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình, qua đó giúp cộng đồng nhà đầu tư cũng như toàn xã hội nắm bắt thông tin chính xác, tìm hiểu thực tế, cơ hội đầu tư vào Quảng Bình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Bình cần tăng cường năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng giới đầu tư, xác định mục tiêu cải cách mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất. Tỉnh cần phát triển nhanh, hài hòa các lĩnh vực, đặc biệt, cần triển khai đúng quy hoạch, với hiệu quả cao nhất.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng và một số biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng, thể thao, du lịch, công nghiệp - khoáng sản, bất động sản, phát triển đô thị... với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đại diện ngành du lịch Hà Nội và Quảng Bình đã ký, trao đổi thỏa thuận hợp tác nhằm gia tăng và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch song phương trong thời gian tới.