Chấp thuận chủ trương đầu tư 4 bến cảng gần 25.000 tỷ đồng tại Hải Phòng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12 - Khu bến Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 8/7.

Theo Quyết định, dự án xây dựng 4 bến cảng container số 9, 10, 11 và 12 tại khu bến Lạch Huyện (đặc khu Cát Hải, TP Hải Phòng, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải), có tổng vốn đầu tư 24.846 tỷ đồng.

UBND TP Hải Phòng được giao lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường, công nghệ và an ninh quốc phòng. (Ảnh minh họa).

UBND TP Hải Phòng được giao lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường, công nghệ và an ninh quốc phòng. (Ảnh minh họa).

Mục tiêu đầu tư nhằm hình thành hệ thống cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở từ 12.000 - 18.000 TEUs, kết nối hiệu quả với khu logistics và phi thuế quan phía sau cảng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Dự án cũng phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Dự án có tổng chiều dài bến 1.800m (mỗi bến dài 450m), thêm 400m bến tiếp nhận sà lan; diện tích sử dụng khoảng 146,2ha. Cùng với bến cảng, dự án sẽ đầu tư hệ thống bãi container, xưởng sửa chữa, công trình phụ trợ và thiết bị khai thác hiện đại.

Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2026 - 2030) xây dựng bến số 9 và 10; giai đoạn 2 (2031 - 2035) xây dựng bến số 11 và 12.

UBND TP Hải Phòng được giao lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường, công nghệ và an ninh quốc phòng. Dự án chỉ được triển khai sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan. Thời hạn hoạt động không quá 70 năm.

Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.

Trong đó, UBND TP Hải Phòng chịu trách nhiệm giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao khu vực biển để lấn biển triển khai dự án; bảo đảm phù hợp quy hoạch, sử dụng hiệu quả đất đai, không để thất thoát ngân sách, đồng thời bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến luồng hàng hải…

Về phía nhà đầu tư, sau khi được lựa chọn, phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu, thực hiện ký quỹ/bảo lãnh ngân hàng, tuân thủ quy định pháp luật trong đầu tư, xây dựng và vận hành dự án. Nhà đầu tư cần lưu ý đảm bảo hiệu quả khai thác và kết nối hạ tầng kỹ thuật theo các quy hoạch đã được phê duyệt.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chap-thuan-chu-truong-dau-tu-4-ben-cang-gan-25000-ty-dong-tai-hai-phong-192250709141718297.htm