Chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Ngày 20/4, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện Bộ GTVT, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án…
Tại cuộc họp, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định độc lập, cơ quan thường trực hội đồng... đều đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư, đề nghị hội đồng nghiệm thu chấp thuận, đưa dự án vào khai thác vận hành.
Về phía địa phương, đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng của 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận đều nhận định dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng. Các địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét đầu tư phủ sóng điện thoại trên toàn khu vực để đảm bảo liên lạc phòng trường hợp khẩn cấp, phối hợp với C08 tiến hành phạt nguội qua hệ thống camera giám sát trên tuyến, nghiên cứu đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến…
Tổ chuyên gia và các thành viên hội đồng nhận định, công tác nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư đã cơ bản phù hợp theo quy định, đáp ứng yêu cầu thiết kế và đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan.
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản đủ điều kiện để hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện theo quy định để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các chủ thể liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các phương châm “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”... cùng với năng lực và kinh nghiệm của liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu để hoàn thành dự án mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Đối với hạng mục hầm Núi Vung, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Hội đồng kiểm tra nhà nước để triển khai đầu tư đưa vào sử dụng cả 2 ống hầm.
Kết luận cuộc họp, thay mặt Hội đồng, ông Bùi Xuân Dũng đánh giá cao Ban QLDA 85, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cùng các bên liên quan đã phối hợp tốt, sát sao quá trình thực hiện, đóng góp hoàn thành dự án. Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của tổ chuyên gia và các bên liên quan nhằm rà soát, sớm hoàn thiện tồn tại nhỏ còn lại.
Hội đồng sẽ có văn bản kiến nghị bổ sung vốn để đầu tư hoàn thiện đưa vào khai thác cả 2 ống hầm Núi Vung để đảm bảo hiệu quả khai thác, giảm thiểu rủi ro khi khai thác 1 ống hầm. Do đây dự án BOT, đề nghị các bên sớm hoàn thành hồ sơ nghiệm thu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án khai thác đảm bảo phương án tài chính.
Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Công ty Đầu tư Xây dựng 194.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 17 m, 4 làn xe, tốc độ tối đa 90 km/h. Giai đoạn 2 có quy mô bề rộng 32,25 m, 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h. Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,25 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 m. Đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.
Ban QLDA 85 - Đại diện Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai thi công công trình, chủ đầu tư và các chủ thể tham gia thi công xây dựng công trình đã tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng. Các hạng mục công trình xây dựng đã được thi công cơ bản theo thiết kế được thẩm định, phê duyệt.
Quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn như dịch Covid-19, địa chất yếu phía Nam hầm Núi Vung, nguyên vật liệu tăng giá đột biến, nguồn vật liệu khan hiếm. Nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của các địa phương, cơ quan nhà nước có liên quan và sự nỗ lực vượt khó của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu… các khó khăn được khắc phục và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng.