Chắp vá hạ tầng khu đô thị phía tây TP Hải Dương
Do chủ đầu tư dự án chậm trễ khắc phục nên hạ tầng ở khu đô thị phía tây TP Hải Dương ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến diện mạo đô thị và chất lượng sống của người dân.
Trước những bất cập về hạ tầng tồn tại dai dẳng ở khu đô thị (KĐT) phía tây TP Hải Dương, người dân ở một số khu dân cư (KDC) trong KĐT đã phải tự đầu tư kinh phí để khắc phục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Song điều này cũng khiến diện mạo KĐT trở nên nhếch nhác, lộn xộn.
Đường tạm, nắp cống hờ
Nhiều năm ngóng chờ chủ đầu tư khớp nối các tuyến đường nội bộ với trục chính không thành, một số hộ dân ở KDC Đỗ Xá (phường Tứ Minh) đã tự bỏ tiền túi làm đường nối tạm bợ để việc đi lại thuận tiện hơn. Theo ông Phạm Văn Sâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC Đỗ Xá, khu có 3 vị trí cần hoàn thiện để giao thông thông suốt là ngách 14, ngõ 155; ngõ 177 và ngõ 212 phố Đỗ Xá. Mặc dù khu đã đề nghị tới các cấp chính quyền từ năm 2014 nhưng vẫn chỉ nhận được những lời giải thích mà không có kế hoạch triển khai cụ thể nào trong khi yêu cầu là bức thiết. Đợi mãi không được câu trả lời thỏa đáng, người dân có kiến nghị đóng góp kinh phí, bê tông hóa những đoạn đường còn dở dang thì không được chấp thuận. Cuối cùng các hộ phải đổ tạm gạch vỡ, tôn tạo đường đất.
“Không chỉ chậm làm đường nối mà khi cải tạo đường phố Đỗ Xá, nhà thầu không đặt cống thoát nước ở hai đầu đường nên giờ cứ mưa to là đường ngập”, ông Sâm cho biết thêm.
Gần chục năm sống ở đường Hồ Tùng Mậu, KDC An Phú 3 (phường Tân Bình) chưa khi nào bà Nguyễn Thị Nhàn thấy có đơn vị nào tới thu dọn, xử lý bùn đất, cặn lắng ở hệ thống thoát nước. Vì thế dù là KDC mới nhưng khu vực này cũng không tránh khỏi ngập úng. Hộ nào cũng chuẩn bị sẵn bậc thang sắt dự phòng bắc từ nhà xuống đường để phòng mỗi khi trời mưa dắt xe cho thuận tiện. Ở đây, đường có đoạn làm, đoạn không nên rất bất tiện. Những đoạn được đầu tư xây dựng thì rãnh thoát nước lại không được quan tâm. Vì là rãnh hở, các hộ thấy mất mỹ quan, sợ ô nhiễm nên gần hộ nào thì hộ đấy bỏ tiền làm tấm đan.
Bà Nhàn phàn nàn: “Người dân trong khu từ bức xúc đến chán nản, kiến nghị nhiều lần không được nên phải tự làm. Biết là không đúng song chúng tôi không còn cách nào khác, phải tự chắp vá để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt”.
Xử lý nhỏ giọt
Những vướng mắc, bất cập về hạ tầng ở KĐT phía tây TP Hải Dương đã có từ lâu, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (Tập đoàn Nam Cường) lại chậm khắc phục, nếu có xử lý thì chỉ nhỏ giọt, không triệt để. Hạng mục mới dở dang, lộn xộn, hạng mục cũ đưa vào sử dụng nhiều năm, không được duy tu, bảo trì định kỳ nên hư hỏng, xuống cấp, không đạt yêu cầu nghiệm thu. Trước thực tế này, người dân một số khu đã tự chắp vá, xây dựng tạm bợ càng khiến cho hạ tầng của KĐT trở nên lộn xộn, thiếu đồng bộ.
UBND TP Hải Dương đã kiểm tra, rà soát tổng thể KĐT để làm cơ sở bàn giao theo hiện trạng và nghiệm thu theo phân khu để tạo thuận lợi trong quản lý. Thành phố đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Nam Cường và Ban Quản lý dự án của công ty tại Hải Dương nhưng tiến độ khắc phục hạn chế của nhiều hạng mục vẫn giậm chân tại chỗ. Tại 5 phân khu Trường An, Vạn Phúc, Vạn Lộc, Đỉnh Long, Hội Đô được đề nghị nghiệm thu, nhiều tuyến đường chưa sơn vạch kẻ đường, lắp đặt biển báo giao thông... Nhiều hố ga bị mất nắp, vị trí cửa thu không có lưới chắn rác. Khu vực được bố trí làm vườn hoa, cây xanh không được quản lý chăm sóc dẫn tới hoa, cây cảnh cằn cỗi hoặc chết. Một vài điểm người dân tự cải tạo, đổ bê tông làm sân thể dục, có điểm trở thành nơi tập kết rác thải. Những phân khu khác như An Phú, Thiên Phú, Trường Thịnh... thì hạ tầng ngổn ngang. Một số hạng mục về giao thông, tiêu thoát nước, đèn chiếu sáng, khu cây xanh... chưa hoàn thiện nên xảy ra việc người dân lấn chiếm đất, sử dụng vào mục đích riêng.
Theo lãnh đạo UBND TP Hải Dương, đơn vị trực tiếp quản lý KĐT phía tây hiện nay là Ban Quản lý dự án của Tập đoàn Nam Cường song không có thẩm quyền giải quyết các bất cập hạ tầng mà phải xin ý kiến tập đoàn nên việc xử lý bị kéo dài, hiệu quả không cao. Nhân sự của chủ đầu tư ở Hải Dương ít, thay đổi nhiều lần đã làm cho việc phối hợp xử lý gặp nhiều khó khăn...