Chặt cây để trồng cây

Những chuyện của làng tôi có thể giống nhưng nhất định không phải chuyện của những ngôi làng mà quý vị từng biết. Câu chuyện hôm nay mà tôi muốn kể, là việc ông giáo già muốn chặt bỏ một cây cổ thụ quý trong nhà...

Nhà ông giáo có cây sưa đỏ cổ thụ bên chái nhà. Người làng đồn đoán giá trị cây sưa phải lên đến vài tỷ bạc. Vào thời điểm “sốt” sưa, con cháu trong nhà rồi xóm giềng cứ ra vào khuyên ông giáo bán cây sưa đi mà làm lại nếp nhà ba gian lợp ngói - đã rêu phong theo thời gian. Ông giáo chỉ im lặng như một sự khước từ mặc nhiên. Nhiều người họ hàng còn hấm hứ, cho rằng ông giáo bo bo giữ của.

Thế rồi đột nhiên ông giáo tuyên bố sẽ chặt và đốt bỏ cây sưa vào ngày cuối tuần. Họ hàng, xóm giềng được một phen xôn xao, tối ngày qua lại khuyên can ông giáo, khuyên không được thì hậm hực, cạnh khóe, bảo ông giáo già lên lú lẫn, gàn dở.

Ngày cuối tuần, họ hàng, xóm giềng tập trung ở nhà ông giáo đông lắm. Họ xì xào bàn tán, rồi nhao nhao lên kế hoạch hễ cây sưa đổ xuống, sẽ giữ ngay ông giáo lại, mang cây sưa đi, tính chuyện bán về sau.

Ông giáo lúc này mới thủng thẳng tay không từ trong nhà bước ra, thẳng đến gốc sưa. Đứng lặng dưới gốc cây hồi lâu, ông giáo mới quay lại nói với mọi người: “Nếu không có chuyện tôi chặt cây, hẳn mọi người không có mặt ở đây đông thế!... Cây sưa này, bố tôi khi trồng không vì mục đích để lại món tiền của cho tôi, cho con cháu tôi. Mà, để nhắc nhở con cháu nhìn cây, thì nhớ đến tiên tổ, thực hành đạo đức và học tập, lao động. Đó mới là tài sản quý giá nhất. Các vị đến đây - với đa phần là con cháu, họ hàng, cũng là để muốn ngăn tôi không chặt cây, giữ gìn một di sản của cha ông, tình cảm ấy thực trân quý. Vì thế, có rất nhiều cây giống tôi đã ươm từ hạt cây sưa này, đã cứng cáp, muốn tặng đến các vị bằng cả tấm lòng, mong mọi người đón nhận. Mọi người có thể trồng ở vườn, dọc những tuyến đường làng ta đang xây dựng tuyến đường kiểu mẫu... Biết đâu sau này làng ta, con cháu chúng ta chẳng sở hữu những tuyến đường sưa cổ thụ, duy nhất có”.

Mọi người im lặng hồi lâu, thấm thía lời của ông giáo, rồi ai nấy vui vẻ tiến đến nhận cây bảo ông giáo... nhiều “mẹo” quá. Chiều hôm đó, trên các tuyến đường của làng tôi râm ran chuyện trồng cây.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chat-cay-de-trong-cay-32659.htm