Chặt chẽ, công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản trực tuyến

Ngày 5/9, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng.

Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp chủ trì cuộc họp.

Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp chủ trì cuộc họp.

Một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý tại cuộc họp là về đấu giá trực tuyến, trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến; việc thẩm định điều kiện đối với trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.

Theo đó, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và trang thông tin đấu giá trực tuyến như: công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin; hoạt động ổn định, liên tục và phải đạt cấp độ 3 theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; đáp ứng các yêu cầu về việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thông tin. Đồng thời có các chức năng nghiệp vụ tối thiểu như: đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả bằng mã định danh riêng, hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch…

Về việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến, dự thảo Nghị định quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng. Các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng thẩm định Trang thông tin đấu giá trực tuyến theo đề nghị của Bộ Tư pháp.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Góp ý quy định về yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần quy định đặc thù của Cổng/Trang này đồng thời đề nghị bổ sung về vấn đề truy vết khi sửa các nội dung về đấu giá tài sản trên Cổng/Trang này để hạn chế kẽ hở.

Về thẩm định điều kiện đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản, cần chi tiết hóa các điều kiện để đảm bảo công khai, minh bạch, theo đó có thể xây dựng biểu mẫu để thuận lợi cho quá trình thẩm định.

Liên quan tới trình tự tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, dự thảo Nghị định có quy định trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức đặt giá xuống thì người trúng đấu giá là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm được hệ thống mạng đấu giá tài sản ghi nhận. Tuy nhiên, đại diện Bộ này cho rằng quy định như vậy khá khó hiểu, cần làm rõ hơn.

Ông Trần Mai Long, đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Ông Trần Mai Long, đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Chung quan điểm, ông Trần Mai Long, đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC) cho rằng dự thảo Nghị định quy định chung về yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến là chưa phù hợp bởi đây là hai loại hình khác nhau, thuộc sự quản lý của các cơ quan khác nhau.

Đặc biệt, quy định điều kiện “Hoạt động ổn định, liên tục và phải đạt cấp độ 3 theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ” là chưa rõ ràng. Vì vậy đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần quy định rõ bằng văn bản, sau đó đăng công khai lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các tổ chức đấu giá nắm được. Ngoài ra, quy định Cổng/Trang này cần “đáp ứng các yêu cầu về việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia” cũng không khả quan trên thực tế.

Ông Long nhấn mạnh dự thảo Nghị định cần làm rõ thế nào là “lỗi kỹ thuật” trong quá trình đấu giá trực tuyến để tránh tạo kẽ hở, bị lạm dụng đồng thời cần phù hợp Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Ngoài ra cần cân nhắc về quy định gửi biên bản đấu giá trực tuyến cho người trúng đấu giá để ký để hạn chế rủi ro trên thực tế.

Đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Góp ý tại cuộc họp, đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho rằng quy định định kỳ hằng năm hoặc trong trường hợp đột xuất, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc quản lý, vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là không khả thi vì nguồn lực và kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin của Sở Tư pháp sẽ khó đáp ứng được việc kiểm tra trong lĩnh vực này theo định kỳ.

Sau khi nghe các đại biểu góp ý, Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

B.Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chat-che-cong-khai-minh-bach-trong-dau-gia-tai-san-truc-tuyen-post524119.html