Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất của tỉnh, huyện để sản xuất nông sản hàng hóa, ông Phạm Văn Sáu ở thôn Nam Khánh, xã Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) đã tiên phong thực hiện việc tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Văn Sáu, thôn Nam Khánh, xã Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) kiểm tra lúa trên cánh đồng mẫu lớn của gia đình.

Ông Phạm Văn Sáu, thôn Nam Khánh, xã Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) kiểm tra lúa trên cánh đồng mẫu lớn của gia đình.

Là người nông dân chăm chỉ nên khi chứng kiến người dân địa phương, nhất là những lao động trẻ không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang gây lãng phí nên vợ chồng ông Sáu đã quyết định đầu tư thiết bị máy móc thuê lại các mảnh ruộng hoang trên địa bàn để canh tác trồng lúa. Lúc đầu, ngoài 1 mẫu ruộng của gia đình, ông mượn thêm được 2 mẫu của những hộ dân xung quanh để ruộng hoang. Nhiều thửa ruộng khi ông mượn cỏ dại mọc um tùm nhưng nhờ sức người kiên trì khai phá, chăm chút đã thành cánh đồng lúa xanh mượt trải dài. Sau 7 năm không ngừng mở rộng diện tích, hiện ông Sáu đã thuê gom dồn được 35 mẫu ruộng để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Dẫn chúng tôi đi giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, dự báo trước một mùa vụ bội thu, ông Sáu tâm sự: “Những ngày đầu bắt tay vào cải tạo, nhìn cánh đồng cỏ mọc um tùm, mảnh sành, mảnh gạch vương vãi khắp nơi, chuột hoành hành khiến nhiều lúc tôi cũng thấy ngại. Trước đây, tôi làm dịch vụ làm đất cho bà con trong xã nên rất hiểu đồng đất quê mình. Trồng lúa vẫn có thể mang lại giá trị cao nếu được sản xuất theo quy mô, bài bản, khoa học. Có ruộng của hàng chục hộ nên nhiều mảnh, cốt đất cao thấp không đều, nhiều bờ quai, bờ thửa phân ô nên tôi phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng. Đầu tiên, tôi phá bỏ những bờ thửa không cần thiết, đắp bờ mới, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý triệt để cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng nhờ đó có thể đưa máy móc vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và thu hoạch. Kiên trì bám ruộng, bám đồng, nhờ trồng tập trung một giống, cơ giới hóa nhiều khâu, đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc đồng đều, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định nên đất không phụ công người. Trung bình vụ mùa cho thu hoạch 2 tạ/sào, vụ chiêm 2,6 tạ/sào”.

Để thuận lợi cho việc gieo trồng, ông Sáu đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua các loại máy móc, phương tiện như máy cày, máy bừa, máy gieo mạ, máy cấy, máy đắp bờ, máy phun thuốc sâu và máy sấy thóc; chọn cấy những giống lúa 203, 225, Đài thơm là các giống lúa có khả năng kháng bệnh bạc lá và có giá trị hàng hóa cao, đang được thị trường ưa chuộng. Để thành công trong việc nhân giống, thời gian đầu ông phải mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ mạng xã hội, từ những mô hình gieo mạ, gieo giống của những nông dân có kinh nghiệm. Sau khi mất cả tạ thóc ngâm thử nghiệm ông Sáu đã rút kinh nghiệm và ổn định trong việc nhân giống cho đến nay. Bên cạnh đó, do đầu tư máy móc nên đến mùa vụ gia đình ông Sáu tự làm mà không thuê thêm người. Trung bình mỗi ngày gia đình ông gặt được 10 tấn/ngày. Lúa gặt đến đâu, một phần bán ngay tại ruộng, một phần đem về phơi sấy đợi được giá mới bán nên mang lại thu nhập ổn định. Ngoài trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn, gia đình ông Sáu còn thầu hơn 2 mẫu đất của xã để phát triển mô hình VAC thả cá, nuôi gà và trồng cây ăn quả. Doanh thu hàng năm của gia đình ông đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn kết hợp VAC của gia đình ông đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Phạm Văn Sáu đã vinh dự được Hội Khuyến học tỉnh tặng học bổng “Học không bao giờ cùng” nhằm tôn vinh những điển hình tiên tiến trong việc tự học và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sáu và gia đình còn tích cực giúp đỡ những người nghèo, neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo tại địa phương như cày, bừa, gieo mạ, gặt, phun thuốc trừ sâu và sấy thóc miễn phí cho người dân. Những việc làm của gia đình ông được nhiều người dân khen ngợi.

Dẫu chưa thể gọi là “thẳng cánh cò bay”, nhưng những cánh đồng rộng nhiều mẫu đất nhờ gom, mượn ruộng đất của ông Phạm Văn Sáu đã cho thấy hiệu quả từ việc tổ chức lại sản xuất thông qua tích tụ ruộng đất. Từ khát khao, hoài bão của những nông dân như ông Sáu đất không chỉ đang đẻ ra tiền mà còn đang thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/hieu-qua-tu-mo-hinh-canh-dong-mau-lon-b326ddc/