Chắt chiu cơ hội tăng trưởng

Khó khăn của nền kinh tế hiện lên rõ nét trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội và sẽ được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội và cử tri cả nước trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ Năm. Hơn lúc nào hết, Quốc hội cần phải thôi thúc Chính phủ chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng lớn, nhỏ; nếu không mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức.

Các động lực tăng trưởng đang trên đà suy yếu

“Tăng trưởng GDP quý I.2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid - 19”, Ủy ban Kinh tế đánh giá và lưu ý thêm rằng “mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I.2022 - khi nền kinh tế đang chịu tác động bởi các biện pháp phòng dịch”. Một trong những nguyên nhân chính là do khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng âm 0,4%. Hầu hết các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn là động lực chính của tăng trưởng chung toàn nền kinh tế trong những năm qua đều sụt giảm. Ô tô giảm 17,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%... Ngành xây dựng cũng chỉ tăng trưởng ở mức thấp, chưa đến 2%.

Ủy ban Kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là rất thách thức. Nguồn: ITN

Ủy ban Kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là rất thách thức. Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, “các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu”.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,1%. 11 địa phương ghi nhận chỉ số IPP sụt giảm. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4 và tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng ước đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% (tương ứng giảm 16,08 tỷ USD); nhập khẩu đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 21,38 tỷ USD). Đáng chú ý, tổng trị giá xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỷ USD). Cán cân thương mại thặng dư cao 7,56 tỷ USD song khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu cao 6,62 tỷ USD.

Dòng vốn từ thị trường tài chính suy giảm phần nào làm giảm hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân khi vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước quý I chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ. Vốn FDI đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1,1%. Vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ cũng là chỉ báo cho những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. (Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước).

Đầu tư công - được kỳ vọng là động lực chính của tăng trưởng năm nay - cũng chưa mang lại kết quả mong đợi. Tuy có cải thiện về số tuyệt đối (tăng gần 15 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ), song tốc độ giải ngân vẫn chậm, ước 4 tháng đạt 14,66% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì chỉ đạt 15,65% - thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Một chỉ dấu đáng lo ngại khác là tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng lần lượt 21,8%, 39,9% và 10,1%. Bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đáng lo ngại là “xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới”, Ủy ban Kinh tế cảnh báo. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

"Vấn đề là hành động!"

“Con số nói lên tất cả!”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói vậy trong phiên họp ngày 9.5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quả thực, những số liệu nói trên cho thấy nền kinh tế và doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là rất thách thức. Để đạt tăng trưởng 6,5%, 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP phải tăng khoảng 7,5% - điều không ai dám chắc trong bối cảnh tình hình thế giới đầy bất định hiện nay.

Trong bối cảnh các động lực chính của tăng trưởng đều “có vấn đề”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng, tăng trưởng năm nay sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố khác nữa, theo kiểu góp gió thành bão. Và vào lúc này, Quốc hội cần thúc đẩy Chính phủ và nền kinh tế cần chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng dù lớn hay nhỏ.

“Ví dụ, trong năm 2023, ngành du lịch và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn, ngành nông nghiệp và các ngành chế biến chế tạo có thể sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thị trường tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được mở rộng. Mọi cơ hội đóng góp cho tăng trưởng dù lớn hay nhỏ đều cần được trân trọng và hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hiện nay”, TS. Lê Duy Bình nói.

Để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế dần phục hồi, TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, cho rằng bám sát diễn biến tình hình thực tế để phát hiện và hỗ trợ khó khăn nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân là quan trọng lúc này. Lãi suất ngân hàng cần được tiếp tục giảm, nhanh chóng giải ngân đầu tư công và giảm thuế, phí… “Doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thì tổn thất sẽ lớn hơn. Hãy nhớ rằng, sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp là một điều kiện cần để duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng”, ông chia sẻ.

Khẳng định các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đã được ban hành khá toàn diện, đầy đủ cả trong ngắn hạn và dài hạn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động. “Vấn đề giờ là Chính phủ và các cơ quan cần hành động cụ thể, thực chất, quyết liệt và đầy đủ triển khai các giải pháp đã đề ra. Khó khăn, bất định có thể kéo dài phải càng cần được hóa giải bằng hành động mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn. Có như vậy mới tạo được nền tảng cho tăng trưởng”.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chat-chiu-co-hoi-tang-truong-i329651/