Giúp phụ nữ dân tộc tiếp cận nguồn vốn qua mô hình tiết kiệm từ nuôi lợn nhựa

Với mô hình 'Quỹ tiết kiệm lợn nhựa', chị Hà Thị Hoài (Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đã góp phần giúp cho nhiều gia đình phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số và gia đình khó khăn được tiếp cận các khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp.

 Chị Hà Thị Hoài - Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Chị Hà Thị Hoài - Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Từ năm 2022, xã Lai Đồng được Hội LHPN tỉnh Phú Thọ chọn làm điểm triển khai Dự án 8 của tỉnh. Xác định lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, Hội LHPN xã Lai Đồng đã chủ động tham mưu, phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn xã có nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới…

Lai Đồng là xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của huyện Tân Sơn với tổng diện tích tự nhiên là 1.970,93 ha, có 847 hộ với 3.884 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc cùng chung sống: Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Lào, H'Mông, Ê đê, Xê đăng, Nùng, Dáy, Paco, Xinh mun (trong đó, dân tộc Mường chiếm 93,92%). Phụ nữ từ 18 tuổi đến 60 có 989 người, số hội viên tập hợp vào tổ chức Hội là 783, đạt tỷ lệ 79,1%. Toàn xã có 8 khu dân cư gắn với 8 Chi hội Phụ nữ.

Đến nay, Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được triển khai ở 7/8 khu đặc biệt khó khăn của xã. Đối tượng của Dự án hướng vào phụ nữ và trẻ em gái tại các thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, phụ nữ khuyết tật.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông về Dự án 8, Hội LHPN xã đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em: Thành lập được 5 tổ truyền thông cộng đồng, 1 mô hình Địa chỉ tin cây, 1 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi. Các hoạt động Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đến xã Lai Đồng, ai cũng biết chị Hà Thị Hoài, Chủ tịch Hội LHPN xã - người tiên phong trong mô hình "Quỹ tiết kiệm lợn nhựa". Suốt nhiều năm qua, chị không ngừng nỗ lực để xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình này, thông qua Quỹ giúp cho nhiều gia đình phụ nữ nghèo DTTS và gia đình khó khăn được tiếp cận với các khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp. Họ đã sử dụng số vốn này để phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống gia đình. Nhiều người đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Chị Hoài không ngừng nỗ lực để xây dựng và vận hành hiệu quả Quỹ tiết kiệm nuôi lợn nhựa

Chị Hoài không ngừng nỗ lực để xây dựng và vận hành hiệu quả Quỹ tiết kiệm nuôi lợn nhựa

Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho phụ nữ và gia đình mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính bản thân chị Hoài cũng cảm thấy tự hào và tâm huyết khi nhìn thấy những chuyển biến tích cực này.

Lựa chọn mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" để học tập và làm theo tấm gương của Bác, chị đã nghiên cứu kỹ, lên kế hoạch để làm sao mô hình được vận hành hiệu quả nhất chứ không "làm cho có". Chính vì vậy, mỗi năm từ mô hình này, Hội LHPN xã đã tiết kiệm thu được trên 60 triệu đồng, thu hút được 96% hội viên tham gia tiết kiệm (số tiền tiết kiệm tối thiểu 60.000đ/năm).

Chị Hà Thị Hoài (giữa) thay mặt Hội LHPN xã Lai Đồng nhận thiết bị truyền thông cộng động do Sở Tư pháp tỉnh tặng

Chị Hà Thị Hoài (giữa) thay mặt Hội LHPN xã Lai Đồng nhận thiết bị truyền thông cộng động do Sở Tư pháp tỉnh tặng

Hằng năm, Hội tổ chức cuộc thi mổ lợn nhựa tiết kiệm, lồng ghép các hoạt động mít tinh, văn hóa văn nghệ, thể thao tạo không khí thi đua, sôi nổi cho các Chi hội. Từ số tiền này, Hội đã trích ra giúp một số chị em gặp khó khăn về tiền và con giống; một phần giúp chị em vay chăn nuôi, buôn bán nhỏ để vượt qua khó khăn, vươn lên từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay "Quỹ tiết kiệm lợn nhựa" toàn xã đã có 500 triệu đồng cho 60 lượt hội viên vay để phát triển kinh tế. Đây là một số tiền lớn, sau khi được giải ngân cho hội viên, Hội đã định hướng cho hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, phù hợp với điều kiện phát triển của từng khu như: Nuôi vịt suối, nuôi dê, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi gà nhiều cựa... Sau nhiều năm thực hiện đa số các hộ được vay vốn đều chuyển biến về đời sống và thoát nghèo.

Chị Hoài cho biết, thực tế tại địa phương còn nhiều tập tục, thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh vẫn còn tồn tại: Phóng uế bừa bãi ra sông, suối, vườn; chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc, rác thải không được xử lý... Người dân luôn mong muốn cải thiện điều kiện sống như: Có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh...

Tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn có những khó khăn nhất định, ít hộ có khả năng xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ gia đình. Trước thực trạng đó, bản thân chị nhận thấy việc triển khai thành lập các mô hình để bảo vệ môi trường là thật sự cần thiết.

Với số tiền tiết kiệm lợn nhựa các năm, chị Hoài đã mạnh dạn chỉ đạo lựa chọn nội dung xóa nhà tiêu chưa hợp vệ sinh và xây lò xử lý rác thải từ nguồn quỹ tiết kiệm nuôi lợn nhựa. Đồng thời, chỉ đạo các Chi hội sử dụng nguồn vốn quỹ tiết kiệm lợn nhựa và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tạo điều kiện cho gia đình hội viên vay xây nhà vệ sinh. Qua đó đã giúp được 45 hộ gia đình hội viên xây nhà vệ sinh.

Chị Hoài đã mạnh dạn chỉ đạo lựa chọn nội dung xóa nhà tiêu chưa hợp vệ sinh và xây lò xử lý rác thải từ nguồn "Quỹ tiết kiệm lợn nhựa"

Chị Hoài đã mạnh dạn chỉ đạo lựa chọn nội dung xóa nhà tiêu chưa hợp vệ sinh và xây lò xử lý rác thải từ nguồn "Quỹ tiết kiệm lợn nhựa"

Ngoài ra, chị Hoài phối hợp với UBND xã rà soát, hỗ trợ hộ dân xây trên 300 lò đốt rác bảo vệ cảnh quan và môi trường, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu bệnh tật, dịch bệnh nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân, từ đó càng thu hút hội viên phụ nữ vào tổ chức Hội.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, môi trường, hằng năm, chị còn chỉ đạo các Chi hội phụ nữ tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch". Các phong trào luôn được duy trì và giữ vững, triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng.

Đồng thời, chị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng hội viên phụ nữ nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên và sáng tạo trong hoạt động của phong trào của Hội.

Bản thân là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, đại biểu Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Kinh tế Xã hội, chị Hà Thị Hoài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị là đảng viên viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, hàng năm được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giup-phu-nu-dan-toc-nguon-von-voi-mo-hinh-tiet-kiem-tu-nuoi-lon-nhua-20240627170457579.htm