Chất cực độc Botulinum có trong đồ uống bổ dưỡng nhiều cha mẹ cho con dùng mà không biết

Theo các chuyên gia, chất cực độc Botulinum không chỉ có trong những đồ hộp mà còn có trong loại đồ uống bổ dưỡng được rất nhiều cha mẹ dùng cho con mà không hề biết.

Mật ong cũng chứa chất botulinum

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đường xâm nhập của vi khuẩn Botulinum có thể qua ăn, uống; độc tố, nha bào trong thực phẩm; qua vết thương nhiễm bẩn, qua tiêm chích… Thông thường hay gặp khi sử dụng những thực phẩm lên men đóng hộp.

Biểu hiện lâm sàng ngộ độc botulinum thường là liệt mềm, đối xứng, lan xuống cấp tính. Bệnh nhân nhìn mờ, sụp mi, rung giật nhãn cầu, khó nuốt, phát âm khó, yếu cơ mặt… Tiền chứng là buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khô miệng, họng.

Người lớn bị ngộ độc bởi độc tố này nhiều hơn. Những người có bệnh lý đường tiêu hóa dễ xâm nhập vào hoặc người phẫu thuật…cũng dễ gặp, nhưng ở trẻ em cũng gặp phải. Trẻ em ăn phải nha bào, vi khuẩn sinh ra độc tố từ đường tiêu hóa.

Đáng chú ý, nguy cơ thực phẩm là mật ong cũng hay nhiễm chất cực độc Botulinum. Khi trẻ ăn phải thực phẩm bị nhiễm bào tử C. Botulinum, vi khuẩn sẽ xâm nhập và phát triển trong ruột, sản sinh ra độc tố gây hại cơ thể. Ở trẻ em thường gặp từ 2 - 8 tháng tuổi.

Biểu hiện ban đầu là yếu cơ, bỏ bú, không ăn, giảm trương lực cơ lan xuống, chảy dãi, tiếng khóc bé vì cơ hô hấp không hoạt động, táo bón… Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ. Tuy nhiên, ở một số trẻ sơ sinh bị ngộ độc có thể không có dấu hiệu cho đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Bởi vậy, nếu thấy trẻ có bất cứ triệu chứng khác lạ sau khi sử dụng thực phẩm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mật ong có thể dùng để chữa nhiều bệnh nên nhiều cha mẹ vẫn dùng để rơ miệng, lưỡi cho bé hay trộn chung với các món ăn thay đường giúp trẻ ăn ngon miệng. Cũng có nhiều người cho trẻ uống mật ong vì mật ong bổ dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, theo Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, dù mật ong rất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng dùng được, nguy cơ mất an toàn với mật ong có thể xảy ra.

Các bào tử vi khuẩn Botulium có thể tìm thấy trong mật ong. Với những trẻ dưới 1 tuổi không nên cho dùng mật ong. Bởi hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn yếu, chức năng giải độc của gan cũng hạn chế nên không diệt được bào tử Botulinum. Mặc dù ngộ độc thực phẩm do Botulinum rất hiếm gặp nhưng vẫn cần thận trọng. Trẻ trúng độc do mật ong sẽ xuất hiện táo bón 1 – 3 tuần, sau liệt cơ, khóc yếu, bú kém kèm khó thở…

Lưu ý khi dùng mật ong

Các chuyên gia khuyến cáo, những trẻ trên 1 tuổi, mọi người có thể cho trẻ dùng mật ong thoải mái. Tuy nhiên, lưu ý không dùng nước sôi pha mật ong. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 35 độ C. Dùng mật ong trước bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc sau bữa ăn 1 – 2 giờ. Ngoài ra, việc bảo quản mật ong cần thận trọng, không đựng bằng kim loại vì trong mật ong có acid hữu cơ và đường, dưới tác dụng của men sẽ biến chất.

Để phòng tránh ngộ độc Botulinum, mọi người cần chú ý thêm: Không cho trẻ ăn những thực phẩm có dấu hiệu bị hỏng, đồ hộp bị phồng cần vứt bỏ vì chúng có thể chứa khí sinh ra bởi C.botulinum. Ngoài ra, nên luộc, nấu thức ăn trong khoảng 10 phút để giúp loại bỏ nội độc tố vi khuẩn.

Vi khuẩn Botulinum không chỉ ở trong thực phẩm, chúng có thể tồn tại trong đất, trong bụi lơ lửng trong không khí. Bào tử vi khuẩn C. Botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí, bào tử sẽ phát triển tại vết nhiễm trùng, tạo ra độc tố rồi xâm nhập vào máu. Bởi vậy, vết thương ngoài da cần rửa sạch sau khi bị thương, bôi các loại dung dịch sát khuẩn lên vết thương…

Trẻ em cần được nhập viện để theo dõi và điều trị kịp thời khi có những biểu hiện bất thường sau ăn thực phẩm nhiễm vi khuẩn Botulinum. Để chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vi khuẩn C. botulinum cần dựa trên xét nghiệm tìm độc tố trong phân, dạ dày, thực phẩm trẻ đã ăn. Trẻ bị ngộ độc Botulinum cần được chăm sóc về dinh dưỡng đặc biệt, thông và làm sạch đường dẫn khí, theo dõi các vấn đề hô hấp. Trẻ có thể phải tiêm mũi kháng độc tố có tác dụng chống lại nội độc tố vi khuẩn trong máu…

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chat-cuc-doc-botulinum-co-trong-do-uong-bo-duong-nhieu-cha-me-cho-con-dung-ma-khong-biet-20200903161338956.htm