Người dân cẩn trọng, không để bị rơi vào bẫy tẩy chay i-ốt
Thời gian qua, để phản đối quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, một số cá nhân, doanh nghiệp cho rằng, dùng muối i-ốt trên diện rộng sẽ dẫn đến những người thừa i-ốt (đặc biệt người dân sống tại vùng biển) bị các bệnh về tuyến giáp và bệnh lý khác.
Lập luận thiếu cơ sở khoa học, bằng chứng đó đã gây hoang mang dư luận, dẫn đến hậu quả, nhiều người dân từ chối sử dụng muối i-ốt, gây lo ngại rất lớn về các bệnh rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Liên quan đến vấn đề này, ngành y tế khẳng định, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào liên quan đến sử dụng muối tăng cường i-ốt ảnh hưởng sức khỏe. Trái lại, nếu thiếu i-ốt dẫn đến bướu cổ, suy giáp, có thể gây mệt mỏi, yếu cơ và tăng cân. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng không để bị rơi vào bẫy của doanh nghiệp “anti – i-ốt”.
Việt Nam nằm trong top 26 nước bị thiếu i-ốt
Trước ý kiến cho rằng, quy định toàn dân sử dụng muối i-ốt tại Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp hoặc bệnh lý khác cho người thừa i-ốt, Bộ Y tế khẳng định đây là quan niệm sai lầm. Những lập luận đó thiếu cơ sở khoa học, bằng chứng của một số cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua đưa ra gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của ngành y tế trong phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt.
Bộ Y tế khẳng định, không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt.
Theo báo cáo của Mạng lưới toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%; thấp hơn 3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Với kết quả này có thể khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị.
Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP không thay đổi Khoản 1 Điều 6; cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm cần phải được tăng cường i-ốt.
Chưa có bằng chứng khoa học khẳng định thừa i-ốt gây ung thư tuyến giáp
Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân thừa i-ốt.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, ở các nhóm đối tượng, mức trung vị i-ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo. Tỷ lệ người có nồng độ i-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300ppm là 0% (ngưỡng > 300ppm là ngưỡng có i-ốt niệu cao). Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994 đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.
Theo Bộ Y tế, bản thân thiếu i-ốt gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i-ốt, đây là đánh giá xếp loại của WHO.
Theo WHO, tại những vùng thiếu i-ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân tuyến giáp tự miễn. Sau 5 - 10 năm bổ sung i-ốt thường xuyên, thì tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu i-ốt.
Cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ.
Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính thường gặp nhất của hệ nội tiết, đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo số liệu GLOBOCAN (dữ liệu ung thư toàn cầu) năm 2020 của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC), ung thư tuyến giáp đứng hàng 11 về số ca mắc mới ung thư, chiếm 3% trong tổng số ca mắc mới của tất cả các loại ung thư.
Tại Việt Nam, theo số liệu của GLOBOCAN năm 2020, tương tự tình hình trên thế giới, ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới, đứng thứ 6 ở nữ giới về tỷ lệ mắc mới trong tất các loại ung thư, gấp 4 lần so với nam giới.
Theo lý giải của Bộ Y tế, nguyên nhân ung thư này tăng do sự phát triển phát triển kỹ thuật và ý thức của người dân khám phát hiện sớm. Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định thừa i-ốt gây ra ung thư tuyến giáp.
Trước một số ý kiến cho rằng, thực phẩm bổ sung i-ốt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gia tăng bệnh ung thư tuyến giáp, Bộ Y tế cho biết, 8 năm gần đây, cơ quan y tế chưa nhận được bằng chứng khoa học liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị sản phẩm hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, WHO, UNICEF, Mạng lưới i-ốt toàn cầu, HealthBridge Canada, Bộ Y tế và một số chuyên gia bảo vệ sức khỏe khuyến cáo mạnh mẽ, Chính phủ giữ nguyên các quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của muối i-ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy, việc sử dụng muối i-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-can-trong-khong-de-bi-roi-vao-bay-tay-chay-i-ot.html