Chất độc có ở những bộ phận nào của con cóc?

Cóc là động vật có độc và độc tính rất cao, do đó người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn hay làm thuốc.

Nhiều nạn nhân ngộ độc vì ăn thịt cóc

Ngày 20/7, trên địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con gái phải nhập viện cấp cứu.

Sự việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 19/7, ông Ngô Sỹ Dần (SN 1988, trú xóm 8, xã Diễn Lâm) cùng con ăn thịt và trứng cóc. Sau khoảng 30 phút, 2 bố con có dấu hiệu đau bụng, nôn, tiêu chảy và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tuy nhiên, người bố đã không qua khỏi. Riêng người con sau khi được các bác sĩ Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cứu chữa sức khỏe dần ổn định.

Cóc là động vật có độc và độc tính rất cao, do đó người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn hay làm thuốc. Ảnh minh họa.

Cóc là động vật có độc và độc tính rất cao, do đó người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn hay làm thuốc. Ảnh minh họa.

Trước đó, vào tháng 1/2024, khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng tiếp nhận 3 anh em ngộ độc do ăn thịt cóc và trứng cóc.

Cụ thể, em S.N. (11 tuổi, trú thôn Tào Roong, xã La Pal, huyện Chư Sê) chế biến thịt cóc và trứng cóc ăn. Đến trưa cùng ngày, người nhà phát hiện em nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ, nên đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chư Sê.

Tuy nhiên, em S.N. đã tử vong. Các bác sĩ của Trung tâm chẩn đoán, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp ngoại viện do ngộ độc thịt cóc.

Ngoài ra, em của S.N. là S.H. (4 tuổi) và S.T. (6 tuổi) cùng ăn thịt cóc nên người nhà đều đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cấp cứu. Em S.H. vào viện trong tình trạng lơ mơ, tăng tiết đờm giải, nhịp tim nhanh, mạch nhẹ, chẩn đoán ngộ độc thịt cóc mức độ nặng.

Em S.T. vào viện trong tình trạng lơ mơ, nôn nhiều, nhịp tim nhanh, mạch nhanh. Chẩn đoán ngộ độc thịt cóc mức độ trung bình.

Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê đã chuyển cả hai em lên Bệnh viện Nhi Gia Lai để cấp cứu và điều trị. Tuy nhiên, em S.H. đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Chất độc có rất nhiều ở dưới da, trứng và gan cóc

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, thịt cóc có nhiều chất độc như bufadienolide (độc với tim), serotonin, tryptamine, đây là các chất độc mạnh với tim mạch, thần kinh và tâm thần. Chất độc này có "chi chít" ở các tuyến dưới da và mang tai. Gan và trứng cóc cũng chứa nhiều chất độc.

Tuyến tiết nọc là một tuyến nhỏ nằm ở hông và đùi của cóc. Tuyến này chứa một lượng lớn nọc độc.

"Độc tố rất dễ dính vào vùng thịt, các nội tạng cóc cũng có chất độc, đó là lý do nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc dù đã bỏ hết da, nội tạng, trứng cóc", TS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Triệu chứng của ngộ độc khi ăn thịt cóc bao gồm các biểu hiện trên tim mạch, chất độc gây tăng nhịp tim, tăng lực co bóp của tim. Khi nồng độ chất độc cao, nó có thể gây ra rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm rồi ngừng tim. Ngoài ra, chất độc này có thể gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, lo lắng, bồn chồn, ảo giác và co giật.

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 1-2 giờ sau khi ăn. Người bị ngộ độc dễ tử vong nhanh chóng do nguyên nhân chính là loạn nhịp tim. Nhiều trường hợp tử vong tại nhà hoặc trên đường đưa đến bệnh viện.

"Cóc là động vật có độc và độc tính rất cao, do đó người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn hay làm thuốc. Có nhiều loại thực phẩm tốt để nâng cao thể trạng, cải thiện chiều cao mà người dân có thể lựa chọn như như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…" TS. Nguyễn Trung Nguyên đưa ra lời khuyên.

TS Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn, khi phát hiện người ngộ độc thịt cóc, nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cũng có thể gây nôn chủ động cho người bệnh. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất.

"Loạn nhịp tim xuất hiện ở hầu như tất cả các trường hợp ngộ độc cóc. Dấu hiệu này xuất hiện nhanh, tiến triển nặng, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. Khi phát hiện ngộ độc thịt cóc, người bệnh tuyệt đối không tốn thời gian tự tìm cách điều trị, có thể dẫn tới tử vong đáng tiếc", Giám đốc Trung tâm chống độc nhấn mạnh.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chat-doc-cua-coc-co-o-nhung-bo-phan-nao-16924072317510752.htm