Chặt đứt 'vòi bạch tuộc' cho vay nặng lãi
PTĐT - Thời gian qua, hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn toàn quốc nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng mạng viễn thông, núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ…
Kỳ I: Đại dịch “Tín dụng đen”

Cán bộ Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh làm việc với các đối tượng Bùi Ngọc Việt và Bùi Minh Tuyến ở khu 15, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
PTĐT - Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn toàn quốc nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng mạng viễn thông, núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ… tạo vỏ bọc đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất “cắt cổ” nhằm thu lời bất chính, từ đó gây nên bao hệ lụy cho xã hội.
Ngược thời gian về năm 2017, trên khắp các trục đường, các ngõ xóm, các khu vực tập trung đông dân cư ở cả thành thị và nông thôn đều xuất hiện khá nhiều những tờ rơi, những tấm đề can in những dòng quảng cáo “cho vay tiền, cho vay nóng, cho vay nhanh không cần thế chấp” kèm theo số điện thoại liên hệ; khi người vay có nhu cầu, chỉ sau một cuộc điện thoại đã có người mang tiền đến tận nơi cho vay mà không cần bất cứ tài sản có giá trị nào để thế chấp. Tiền trao nhanh, giấy tờ làm tin chủ yếu là những mảnh giấy biên nhận viết tay ghi số tiền và số lãi thỏa thuận với mức 3.000- 5.000 đồng, thậm chí 7.000 đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay, kèm theo giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe của người vay. Thế nhưng, đằng sau tờ giấy viết tay thỏa thuận lại là những hệ lụy gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán”, bởi thực tế việc phải trả nợ các khoản vay với mức lãi suất cao sẽ cực kỳ khó khăn. Đến bây giờ anh Nguyễn Văn T ở phố Phú Thịnh, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại việc anh chót tin vay “tín dụng đen” từ đối tượng Trần Viết Quảng SN 1971 ở khu 3, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ. Vốn làm nghề mộc, anh T thường phải nhập gỗ nguyên liệu làm giường, tủ cho khách hàng. Nắm được tâm lý của anh T, lại thấy anh có nhu cầu cần tiền gấp, đối tượng Quảng đã cho anh vay 20 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay. Không tính toán nhiều, nghĩ đơn giản sau khi nhập nguyên liệu, có hàng xuất bán anh sẽ có tiền trả cho Quảng. Thế nhưng sau khi vay, làm ăn không thuận lợi, hết hạn vay anh chưa trả được gốc và lãi. Lúc này Quảng cho người đốc thúc trả nợ, bắt anh viết giấy nợ gộp cả gốc và lãi thành món vay mới; đồng thời bắt anh T cam kết trả nợ theo yêu cầu của chúng. Mặc dù biết bị rơi vào bẫy “tín dụng đen” nhưng vì hoàn cảnh lúc đó quá khó khăn, anh T đành phải nghe theo. Sau 11 tháng, “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền mà anh T phải trả lên tới 53 triệu đồng, trong đó riêng tiền lãi là 33 triệu đồng. Anh T cho biết: Trong quá trình vay nợ thường xuyên bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, khi không chịu nổi gia đình đành phải bán tài sản và huy động người thân trả giúp.

Ở các bức tường, cột điện từ trục đường chính đến ngõ xóm các quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi.
Chị Nguyễn Thị H ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy kinh doanh tạp hóa, vài năm trở lại đây gia đình chị liên tục gặp khó khăn về tài chính. Không còn tài sản thế chấp, các ngân hàng thương mại đều không cho vay mới, vì vậy vay “nóng” đã trở thành cứu cánh cuối cùng của chị. Lúc đầu cứ nghĩ lãi suất 4.000 đồng/ngày/triệu đồng cũng bình thường, nhưng tính ra vay 50 triệu đồng trong 1 tháng thì số lãi phải trả là 6.000.000 đồng. Biết bị “móc túi” nhưng đó là nguồn tiền mặt duy nhất để giải quyết khi cần. Chịu lãi cao cuối kỳ, không ít lần chị rơi vào cảnh “dở khóc dở mếu” vì muôn kiểu đòi nợ của chủ nợ.Tại huyện Thanh Thủy cách đây 2 năm hoạt động “tín dụng đen” đã từng “nở rộ” với trên 40 cơ sở kinh doanh cầm đồ có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Nhờ đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, Công an huyện Thanh Thủy đã phát hiện Lương Thị Hồng Chúc, SN 1971, ở khu 5, xã Bảo Yên lợi dụng việc kinh doanh cầm đồ để cho vay nặng lãi. Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an huyện đã làm rõ, từ 2-2018 đến 12-2018, Chúc đã cho hơn 50 lượt người vay với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng, lãi suất tối đa đến 7.000 đồng/1triệu đồng/ngày và thu lãi hàng trăm triệu đồng...Ngay tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, “tín dụng đen” cũng đã len lỏi vào các gia đình trong xã; kéo theo những hệ lụy về tệ nạn xã hội. Nhiều đối tượng hình sự trong địa bàn xã đã móc nối liên kết với các đối tượng ở các xã giáp ranh để tổ chức hoạt động đánh bạc, cho vay lãi nặng. Điển hình như ổ nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” do Bùi Ngọc Viết ở khu 15 và Bùi Minh Tuyến ở khu 12 (đều sinh năm 1988), xã Tứ Xã cầm đầu. Chỉ từ tháng 5-2018, đến thời điểm bị bắt giữ (tháng 5-2019) hai đối tượng này đã cho trên 40 người vay với lãi suất 5.000 đồng/ triệu đồng/ ngày. Khi mới hoạt động, Viết và Tuyến chỉ có 600 triệu đồng làm vốn, nhưng sau một thời gian ngắn, Viết huy động được 2,1 tỷ đồng còn Tuyến huy động được 1 tỷ đồng cho các đối tượng có nhu cầu vay. Để phát triển mạng lưới chân rết, chúng thuê thêm 2 đối tượng chuyên đi đòi nợ, thu tiền lãi ngày của người vay và dùng mọi biện pháp, thủ đoạn xiết nợ. Có thể nói, thời gian này hoạt động “tín dụng đen” “bủa vây” khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, chúng xâm nhập, tiếp cận các đối tượng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ thanh niên đến người trung tuổi, từ lao động tự do đến công chức nhà nước... Mục đích vay của người vay rất đa dạng, trong khi các địa chỉ tín dụng đen lại hoạt động tự do, thủ tục đơn giản nên nhiều người vẫn sẵn sàng vay với lãi suất cao hơn so với quy định Nhà nước. Phóng viên đã nhiều lần thử liên hệ vay tiền theo các số điện thoại: 0978 972 xxx, 0971 321 xxx... quảng cáo cho vay trả góp, gọi là có tiền, alo là có tiền trên các tờ rơi dán ở bờ tường, cột điện thì đều nhận được câu trả lời: Cần bao nhiêu cho vay bấy nhiêu, thủ tục đơn giản chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân là xong. Tuy nhiên mức lãi suất không hề nhẹ, trung bình 3.000- 5.000đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay, tương đương với lãi suất từ 109,5- 182,5%/năm. Nhưng khi chúng tôi hỏi người đứng ra cho vay thuộc đơn vị, tổ chức tài chính nào thì họ thường lảng tránh, không trả lời. Qua điều tra thực tế cho thấy, “tín dụng đen” chính là hình thức đi vay, cho vay không hợp pháp với lãi suất cao, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người, hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đi đòi nợ. Nếu người vay không trả được sẽ bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản có khi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự… gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Hệ lụy của “tín dụng đen” không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà còn là điều kiện phát sinh, gia tăng các loại tội phạm, hình thành các băng, ổ nhóm phạm tội có tổ chức mang tính côn đồ, bạo lực, gây phức tạp đến an ninh trật tự- an toàn xã hội.