Chất gây nghiện trong kẹo khiến 10 học sinh Quảng Ninh cấp cứu nguy hiểm thế nào?
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết chất THC trong kẹo mà các em học sinh ăn là ma túy, rất nguy hại cho sức khỏe.
Vụ việc bắt đầu từ tối ngày 24/10/2021, cháu M.T.S, sinh năm 2006, trú tại khu Trới 7, phường Hoành Bồ (là học sinh lớp 10A2 trường THPT Hoành Bồ) đến chơi với người chị họ tại tổ 5, khu Trới 3, phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long. Khi chơi ở đây, cháu M.T.S đã tìm thấy 1 túi có nhiều gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo) trong hộp đồ chơi trên tầng 3, nghĩ là kẹo nên đã cầm về.
Sáng ngày 25/10/2021, trong lúc chào cờ buổi sáng tại trường, M.T.S đã mang "kẹo" mời các bạn cùng ăn (tổng cộng có 13 cháu đã ăn). Sau khi ăn, 10 cháu có biểu hiện ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu; qua test nhanh, phát hiện 6 cháu dương tính với chất THC (một loại chất có trong cây cần sa).
Công an TP. Hạ Long xác định gói dạng thanh (giống kẹo dẻo) mà các học sinh ăn là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa.
Liên quan tới vụ việc này, PV đã có cuộc trao đổi với Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên về sự nguy hiểm của chất gây nghiện THC có trong kẹo gây ngộ độc cho các học sinh Quảng Ninh.
PV: Thưa ông, từ trước tới nay, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã cấp cứu cho trường hợp nào bị ngộ độc do dùng sản phẩm có chứa THC chưa?
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên: Hiện nay, tình trạng trà trộn ma túy tổng hợp vào các loại bánh kẹo, đồ ăn uống đầu độc giới trẻ xảy ra rất nhiều. Vụ ngộ độc THC vừa rồi đối với các học sinh Quảng Ninh là một ví dụ.
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai những năm gần đây đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân sử dụng ma túy dưới dạng bánh sô cô la, bánh lười, nước vui...
Các sản phẩm bánh kẹo có chất gây nghiện THC này là các sản phẩm ma túy, cần phải bị pháp luật xử lý.
PV: THC tìm thấy trong kẹo của các học sinh bị ngộ độc là chất gì? THC có nguồn gốc như thế nào (là chất hóa học nhân tạo hay được chiết xuất từ tự nhiên) thưa ông?
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên: THC là chất tự nhiên có trong cây cần sa. Bên cạnh nguồn gốc tự nhiên, THC có nguồn gốc là chất hóa học do con người tạo ra.
THC là chữ viết tắt của tetrahydrocannabinol. THC gồm một nhóm nhiều hợp chất cụ thể có công thức hóa học gần giống nhau.
2 hợp chất THC là ma túy gồm:
• Delta 9-tetrahydrocannabinol - một thành phần tự nhiên có trong cây cần sa. Trên thế giới và Việt Nam, Delta 9-tetrahydrocannabinol và cần sa tự nhiên được luật pháp và ngành y tế xếp vào loại ma túy, là các chất nguy hiểm với sức khỏe, gây ngộ độc cấp tính, mạn tính và gây nghiện.
• Delta 8 - tetrahydrocannabinol có rất ít trong cây cần sa, chủ yếu là chất hóa học do kẻ xấu tổng hợp sản xuất với mục đích thu lợi bất chính.
Delta 8 – tetrahydrocannabinol là một loại ma túy tổng hợp, không dùng làm thuốc. Delta 8 – tetrahydrocannabinol có các tác hại tương tự cần sa và thậm chí phức tạp hơn cần sa.
Việc sản xuất ra chất Delta 8 – tetrahydrocannabinol là phi pháp. Với mục đích trục lợi, chạy theo lợi nhuận, kẻ xấu sản xuất ra chất Delta 8 – tetrahydrocannabinol không đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu và cả dây chuyền sản xuất. Do vậy, sản phẩm tạo ra sẽ có thêm các tạp chất, trong đó nhiều chất không thể biết trước nên độc tính sẽ rất phức tạp và không lường trước được hậu quả.
Như vậy, với việc bất kỳ loại bánh kẹo nào có thành phần là chất THC hoặc cần sa có mặt ở Việt Nam đều được coi là ma túy. Các nước trên thế giới cũng quy định như vậy.
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên: Để xác định một người đã sử dụng các chất THC hoặc sử dụng cần sa, các bác sĩ sẽ lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu.
Tuy nhiên, các loại que test nhanh hiện nay chỉ cho kết quả THC dương tính chung, không thể biết được cụ thể là hợp chất Delta 9-tetrahydrocannabinol hay Delta 8 - tetrahydrocannabinol. Để xác định hợp chất cụ thể phải xét nghiệm bằng các máy móc rất hiện đại và chuyên sâu.
Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có một vài phòng xét nghiệm của của các viện thuộc ngành công an, pháp y có thể có khả năng xác định tên hợp chất cụ thể.
PV: Trong y tế, THC có sử dụng làm thuốc không? Nếu sử dụng làm thuốc thì sử dụng điều trị cho các bệnh nào thưa ông?
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên: Trong y tế, THC được sử dụng làm thuốc. Có 2 hợp chất THC tổng hợp là nabilone và dronabinol được dùng làm thuốc chữa tác dụng phụ của việc nôn gây ra bởi các thuốc chữa ung thư. Riêng dronabinol còn được dùng để chữa triệu chứng chán ăn ở người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, các thuốc này là thuốc gây nghiện nên phải được bác sĩ kê đơn, và các khoa dược ở các bệnh viện cấp phát thuốc rất nghiêm ngặt như morphine. Bất kỳ ai sử dụng ngoài mục đích chữa bệnh đều bị coi là ma túy.
PV: THC ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe (ngộ độc tức thời và lâu dài) thưa ông?
Ts. Bs Nguyễn Trung Nguyên: Tất cả các chất THC được dùng nhằm mục đích giải trí (như ma túy và cần sa) sẽ gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe:
THC gây ngộ độc cấp tính:
• Tác động tới thần kinh: làm cho thần kinh bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần.
• Tác động lên tim mạch: làm loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp
• THC tác động trên nhiều cơ quan khác của cơ thể và có thể tử vong.
THC tác đông lâu dài tới cơ thể: THC gây nghiện. Người nghiện THC, cần sa cần phải cai nghiện như đối với cai ma túy, herioin.
• Người nghiện THC, cần sa khi ngừng dùng cần sa đột ngột có thể gặp chứng nôn nặng và dai dẳng khó chữa.
• Dùng THC, cần sa lâu ngày gây bệnh phổi tắc nghẽn.
• Gây bệnh mạch vành
• Tăng nguy cơ tử vong kể cả do tim và không do tim
• Gây giảm miễn dịch
• Đối với chức năng sinh sản, nghiện THC, cần sa làm giảm số lượng tinh trùng, giảm rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt, suy giảm các tuyến nội tiết sinh dục
• Ảnh hưởng nội tiết tăng trưởng, tuyến giáp.
• Nếu hít cần sa cũng gây bệnh tương tự như thuốc lá (ung thư và nhiều bệnh khác)
• THC tác động qua nhau thai, vào cơ thể thai nhi và qua sữa mẹ. Phụ nữ đang có thai dùng cần sa dẫn tới giảm cân nặng và chiều cao ở trẻ sinh ra, trẻ sinh ra bị run, chứng giật mình.
• Đặc biệt với người trẻ, nghiện THC và cần sa gây giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm kỹ năng về toán, nói và giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi).
• Người đã dung THC và cần sa cũng dễ bị tai nạn giao thông (do giảm khả năng phản ứng với tình huống, giảm tập trung).
PV: Cách nào để không sử dụng nhầm các sản phẩm chứa chất gây nghiện THC thưa ông?
Ts. Bs Nguyễn trung Nguyên: Các loại bánh kẹo hay thực phẩm chứa cần sa hoặc THC có đặc điểm chung là nhãn mác có các hình thù kỳ dị, méo mó, dị dạng (ví dụ mặt cười, ma quỷ, "nghịch ngợm", trêu đùa hoặc "vui nhộn").
Các sản phẩm có chất gây nghiện cũng không có nhãn mác một cách đầy đủ và nghiêm túc như sản phẩm của các nhà sản xuất chính thống.
Các sản phẩm có chất gây nghiện thường được mời chào, bán ở các tụ điểm vui chơi đặc biệt như sàn nhảy, quán rượu dưới dạng truyền tay nhau. Hình thức bán không công khai, bán sau quầy, hoặc bán online từ các cá nhân hoặc nhà cung cấp không chính thức.