Chất liệu độc đáo trong dân nhạc dân tộc
Dân nhạc dân tộc bao gồm các loại nhạc cụ và âm nhạc không lời được hình thành từ nhu cầu của người dân trong quá trình lao động, sản xuất, lưu truyền trong dân gian và phát triển dần qua nhiều thế hệ. Cùng với dân ca, dân vũ, dân nhạc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, thể hiện tâm tư, tình cảm thay cho lời nói một cách tinh tế, ý nhị, chân thành và giàu cảm xúc.
Nhạc sĩ Minh Đức, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, với nhiều tác phẩm hay được sáng tác lấy chất liệu âm nhạc dân gian, trong đó phải kể đến những tác phẩm nổi bật như: Độc tấu “khèn khóc”, nhạc nền cho tác phẩm múa “Giữa dòng sông Đà”, âm nhạc phối khí và lời cho bài hát “Mầm sống”... đạt giải cao tại các cuộc thi về nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc những năm gần đây. Anh cũng là người dày công tìm hiểu, nghiên cứu về dân nhạc, chia sẻ: Ra đời từ trong dân gian, dân nhạc dân tộc mang trong mình những câu chuyện gắn liền với cuộc sống lao động của đồng bào miền núi và mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Nếu dân ca được biểu hiện bằng ngôn ngữ lời nói, dân vũ là ngôn ngữ hình thể thì ngôn ngữ của dân nhạc là những âm thanh trầm bổng, ẩn chứa rất nhiều cung bậc cảm xúc: Vui, buồn, hạnh phúc, đau thương... Người nghe không chỉ cảm nhận được bằng thính giác mà âm nhạc có thể tác động đến mọi giác quan, chạm đến trái tim của người nghe.
Dân nhạc của 12 dân tộc sinh sống tại Sơn La đa dạng và phong phú, có đầy đủ hệ thống các loại nhạc cụ theo phân loại cấu tạo: Bộ gõ, bộ khí và bộ dây. Trong đó, nhạc cụ bộ khí phong phú hơn cả với các loại pí của đồng bào Thái (pí pặp, pí tam lay, pí pót, pí xo ló...); đàn môi, sáo, khèn của dân tộc Mông; tù và của dân tộc Dao. Bộ gõ có những loại nhạc cụ khá phổ biến đối với nhiều dân tộc như: Trống, chiêng, phách, hưn mạy... Riêng nhạc cụ thuộc bộ dây tại Sơn La chỉ có đàn tính tẩu của đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai và Ngọc Chiến, Mường La. Ngoài các loại nhạc cụ truyền thống được các thế hệ lưu truyền, dân nhạc dân tộc còn có những nét độc đáo riêng có khi xuất phát từ chính cuộc sống thường ngày. Đôi khi chỉ cần một chiếc lá bứt vội trên cành cây cũng có thể thổi lên được khúc nhạc du dương (kèn lá) hay dùng chày gõ lên máng gỗ (đâm đuống của dân tộc Mường) cũng thành bản hòa tấu âm vang cả núi rừng.
Dân nhạc của đồng bào Mông vốn có những nét đặc sắc rất riêng có. Nếu tiếng sáo là âm thanh réo rắt, vút cao vang vọng thì tiếng khèn lại thâm trầm, rủ rỉ, tiếng khèn lá tha thiết như lời nhớ thương. Mỗi nhạc cụ mang đến cảm nhận khác nhau, có thể chạm đến mọi cảm xúc trong tâm hồn người nghe.
Kinh doanh dịch vụ homestay kết hợp với biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, anh Tráng A Chu, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, nói: Cây khèn được coi như biểu tượng của văn hóa dân tộc Mông. Trước đây, khèn chỉ được dùng để thổi khúc nhạc tiễn đưa người mất về trời, nhưng nay được biến tấu, phát triển kết hợp thổi khèn với nhảy múa hoặc dàn dựng thành tiết mục biểu diễn. Mặc dù vậy, khèn và các loại nhạc cụ dân tộc Mông vẫn giữ nguyên cách chế tác truyền thống để giữ hồn âm thanh như nguyên bản.
Nói về dân nhạc và các loại hình nghệ thuật của dân tộc Dao, ông Bàn Văn Tình, nghệ nhân tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Với đồng bào Dao, nhạc cụ trống, chiêng, chuông, phách, tù và luôn phải song hành với điệu múa chuông và hát nói thực hiện trong các nghi lễ truyền thống như cấp sắc, tang ma. Từ các nghi lễ này mà các trích đoạn được dàn dựng để biểu diễn phục vụ du lịch và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng.
Dân nhạc truyền thống cùng các loại nhạc cụ dân tộc từ lâu đã trở thành chất liệu độc đáo trong sáng tác các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ những nhạc cụ đơn lẻ, các nghệ sĩ đã kết hợp sáng tạo thành tác phẩm hòa tấu đặc sắc hay sử dụng để hòa âm, phối khí cho những tác phẩm âm nhạc đương đại mang âm hưởng dân gian dân tộc. Âm sắc của nhạc cụ dân tộc hay nét đặc trưng trong dân nhạc truyền thống khi kết hợp với âm nhạc đương đại vẫn không mất đi màu sắc riêng có, tạo nên những tác phẩm vừa gần gũi, thân quen, vừa hiện đại, mới lạ. Đó là cách mà các nghệ sĩ chuyên nghiệp đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống ngàn đời của các dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.