Chất liệu truyền thống, âm hưởng đương đại
Dùng chất liệu giấy truyền thống để họa nên tác phẩm, nhưng không bó mình trong những điều xưa cũ, lấy cảm hứng về vật liệu để mở rộng khả tính và khả thể cho chính vật liệu đó tạo nên cảm xúc cho họa sĩ đương thời. Giấy dó, giấy điệp mang những giá trị tích lũy theo dòng lịch sử đã được các họa sĩ trẻ thổi vào đó làn gió của nghệ thuật đương đại.
Điệp
Hội họa hay nghệ thuật thị giác có muôn vàn cách thể hiện, tuy nhiên để mang những yếu tố truyền thống vào dòng chảy đương đại không phải dễ. Triển lãm “Điệp” của nghệ sĩ Mifa (tên thật Lê Vũ Anh Nhi) kết thúc vào đầu tháng 5 vừa qua, tại không gian trưng bày Mơ Artspace (136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được xem là triển lãm hiếm hoi của nghệ sĩ 9X, thực hành trên chất liệu giấy điệp truyền thống.
Giấy điệp là chất liệu có lớp nền giấy dó và được quét một lớp bột vỏ sò điệp trộn với keo lên bề mặt, được biết đến là “đặc sản” của làng tranh Đông Hồ, Việt Nam. Mifa bắt đầu với giấy điệp bởi sự hòa quyện độc đáo của chất liệu dân gian cùng sơn acrylic.
“Điểm đặc biệt mà tôi thấy ở giấy điệp có lẽ là sự đối lập và cân bằng. Giấy điệp có độ mềm của lớp nền giấy dó và độ cứng của lớp phủ bột điệp, làm từ vỏ cây và vỏ sò nên nó tạo cảm giác của rừng và biển, vừa hơi thô lại vừa lấp lánh. Những đặc điểm đó gợi cho tôi cảm giác loại giấy này chứa đựng sự hài hòa và mâu thuẫn giống như những xung đột bản năng trong một con người, hay đúng hơn, trong con người mình”, Mifa chia sẻ.
Chất liệu nào cũng có những yêu cầu, thách thức đặc thù và nghệ sĩ chọn chất liệu vì họ nhìn thấy cái hay của nó cũng như tận hưởng quá trình tương tác với nó. Giấy điệp đủ bền và đủ linh hoạt để thực hiện các kỹ thuật màu nước, thư pháp, in thủ công, dát vàng, vẽ sơn đặc và thể nghiệm các kỹ thuật cá nhân gợi cảm hứng từ bề mặt sơn mài Việt Nam.
Mifa chia sẻ thêm: “Đối với tôi, điều hay nhất trong việc thực hành cùng giấy điệp là cảm giác tương tác hai chiều. Khi mình linh hoạt trong cách sử dụng sơn acrylic và nước với giấy điệp cho ra kết quả không ngờ tới. Nó vừa thú vị cho cảm xúc của mình cũng như tốt cho việc rèn luyện khả năng ứng biến với những điều mình không kiểm soát được hoàn toàn trong thực hành hội họa”.
Dó
Những năm gần đây, khi yếu tố truyền thống được các nghệ sĩ chú trọng đưa vào thực hành nghệ thuật như một cách để hài hòa truyền thống và đương đại, triển lãm tranh trên chất liệu giấy dó thu hút sự quan tâm của công chúng. Triển lãm “Mây và Dó” diễn ra vào tháng 4-2022, tại May Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) là sự kết hợp của những họa sĩ theo đuổi chất liệu giấy dó ở 2 miền Nam, Bắc như Bùi Tiến Tuấn, Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh… Hay tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng diễn ra triển lãm tranh giấy dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng (vừa kết thúc vào đầu tháng 5-2022).
Nhiều người trong giới thường ví, giấy dó như những manh áo tơi thô sơ của vùng đồng bằng Bắc bộ, một chất liệu đơn sơ, thuần dịu hiền lành nhưng rất khó chinh phục. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ mềm dai, khả năng hút ẩm cao và ít bị mối mọt. Tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất.
Kế thừa truyền thống của dòng tranh thủy mặc và Đông Hồ, tranh giấy dó sử dụng bút sắt màu nước, tạo nên những đường contour (tập hợp các điểm liên tục tạo thành một đường cong không có khoảng hở, màu sắc và cường độ sáng như nhau - PV) với vệt thấm li ti mềm mại, những mảng màu với sắc độ được ghìm xuống, sâu lắng và tự nhiên.
Với bản tính ăn màu cắn nét, họa sĩ vẽ trên giấy dó sẽ phải tính toán kỹ khi đặt bút vì không thể sửa chữa, không thể đắp nhiều lớp trên lượt giấy mỏng mảnh. Bởi vậy, dù trông đơn giản nhiều khoảng trống, các sáng tác trên giấy dó lại thường bày ra bút lực mạnh mẽ nhất của họa sĩ. Vì thế mà ít họa sĩ chọn dó là chất liệu chủ đạo trong sáng tác.
Trưng bày tác phẩm trong triển lãm “Mây và Dó”, họa sĩ Nguyễn Minh chia sẻ: “Giấy dó có ưu điểm thể hiện được nhanh và chính xác ý đồ của họa sĩ, vì vậy để diễn đạt thành công trên bề mặt giấy cần nắm vững những kỹ thuật cơ bản: nhuộm màu trên giấy, khẳng định hình nét và chủ động được đậm nhạt. Nhưng chất lượng giấy của Việt Nam hiện nay không còn được tốt, phải tìm nguồn cung cấp giấy tin cậy”.
Chất liệu phương Tây hay chất liệu truyền thống đều có cái hay riêng và đó cũng là đặc điểm của một thời đại mà chúng ta được quyền tiếp cận thông tin từ các nền văn hóa đa dạng. Việc nghệ sĩ trẻ tìm về cảm hứng văn hóa truyền thống với những chất liệu dân gian gần gũi với dân tộc là điều đáng mừng. Khi giá trị truyền thống, dân gian vẫn còn được chú trọng thì tiếng nói bản sắc nghệ thuật Việt sẽ được nâng tầm và vươn xa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//chat-lieu-truyen-thong-am-huong-duong-dai-812620.html