Chất lượng các trung tâm điều trị đột quỵ không đồng đều

Có những bệnh viện chỉ điều trị tối đa từ 1.000 đến 2.000 ca đột quỵ/năm, trong khi có bệnh viện điều trị gần 20.000 ca/năm dẫn đến quả tải, ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Ngày 19-8, Hội Đột quỵ TP.HCM tổ chức hội nghị Đột quỵ TP.HCM năm 2023 chuyên đề Cập nhật khuyến cáo điều trị đột quỵ với hơn 1.200 bác sĩ (BS) tham dự.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115, cho biết hiện nay Việt Nam đã có những tiến bộ trong điều trị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ cấp. Số lượng bệnh nhân hưởng lợi từ các giải pháp điều trị cấp như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ,… đã tăng đột biến.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tuy nhiên theo BS Thắng, nước ta vẫn còn nhiều khó khăn trong điều trị đột quỵ. Số lượng và chất lượng điều trị đột quỵ giữa các BV hiện nay không đồng đều. Có những BV chỉ điều trị tối đa từ 1.000 đến 2.000 ca/năm, trong khi BV Nhân dân 115 điều trị gần 20.000 ca/năm.

“Điều này trở thành gánh nặng cho các BV có số lượng bệnh nhân đột quỵ lớn. 20.000 ca đột quỵ mỗi năm là con số quá tải gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị” - BS Thắng khẳng định.

Cạnh đó, cấp cứu ngoại viện có những khó khăn không thay đổi được như giao thông rất khó để có thể di chuyển nhanh bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ. Ngoài ra, trung tâm cấp cứu 115 của TP.HCM hiện nay đã tốt hơn nhiều so với trước nhưng số lượng xe cấp cứu hầu như không đủ để đáp ứng cho tất cả các bệnh nhân đột quỵ.

Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BVCC

“Điều quan trọng nữa là số lượng trung tâm đột quỵ có tăng nhưng vẫn không đủ để bao phủ được số lượng bệnh nhân quá lớn tại Việt Nam. Hiện nay mỗi năm nước ta có trên 200.000 bệnh nhân đột quỵ, trong khi đó chỉ có 100 trung tâm đột quỵ. Như vậy mỗi đơn vị đột quỵ phải điều trị ít nhất 2.000 bệnh nhân một năm. Điều này đã quá tải vì theo chuẩn mực thế giới, một trung tâm đột quỵ chỉ nên điều trị khoảng 500 ca/năm” - BS Thắng nói.

BS Thắng cho biết thêm, hiện nay nhiều người dân vẫn còn tin vào các giải pháp điều trị dân gian như vắt chanh, rạch đầu ngón tay bằng dao lam, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc,… Những giải pháp này hoàn toàn không có chứng cứ khoa học, làm trì hoãn việc đến BV, có thể khiến bệnh nhân không kịp thời gian vàng trong điều trị.

36 bệnh viện tại Việt Nam nhận giải thưởng về điều trị đột quỵ

Trước đó vào chiều 18-8, Hội Đột quỵ TP.HCM tổ chức Hội thảo chuyên đề quản lý chất lượng đột quỵ Việt Nam 2023. Tại đây, 36 BV trên cả nước được nhận giải thưởng đạt chuẩn chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới (WSO). Theo đó có 20 BV đạt chứng nhận vàng, 9 BV đạt chứng nhận bạch kim và 7 bệnh viện đạt chứng nhận kim cương.

Đây là giải thưởng mang tính khích lệ, ghi nhận sự cống hiến trong việc phục vụ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Sắp tới, Hội Đột quỵ thế giới, Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ TP.HCM sẽ đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn để đánh giá và trao giải thưởng này. Sẽ có thành viên trong Hội Đột quỵ thế giới đến trực tiếp BV để kiểm tra các phương tiện chẩn đoán, điều trị và nhân lực theo đúng như đánh giá.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chat-luong-cac-trung-tam-dieu-tri-dot-quy-khong-dong-deu-post747537.html