Chất lượng các vụ việc hòa giải được nâng cao
Sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở quận Hoàn Kiếm có chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:
Triển khai hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở
Phường Hàng Bồ là một phường thuộc khu phố cổ, tình trạng nhà ở trong dân xuống cấp, diện tích đất ở chật hẹp, mật độ dân cư đông; việc cải tạo, sửa chữa, sử dụng các diện tích phụ chung trong các hộ gia đình dễ dẫn đến những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp đòi hỏi chính quyền phường luôn phải tập trung chỉ đạo, nhanh chóng giải quyết, ổn định tình hình.
Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, để công tác thi hành Luật đạt hiệu quả, hàng năm, UBND phường đã xây dựng và triển khai các kế hoạch về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn phường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, thông tin đại chúng, loa truyền thanh, sân khấu hóa…
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được quận, phường quan tâm thực hiện thường xuyên. Tổ chức trên 20 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho trên 100 lượt người tham dự.
UBND phường đã mời báo cáo viên thực hiện quán triệt, phổ biến các luật mới có hiệu lực cho cán bộ, công chức, hòa giải viên, tuyên truyền viên, như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Căn cước công dân, Luật Đất đai,…
Đồng thời, tổ chức quán triệt, phổ biến qua các cuộc họp giao ban công tác hòa giải, hội nghị sơ, tổng kết công tác của UBND phường, các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố, lồng ghép tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ hòa giải viên có nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và có uy tín, thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo ông Lê Minh Đức, từ việc được tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, đội ngũ hòa giải viên ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, phường có 6 tổ hòa giải với 31 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
UBND phường thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật. Duy trì tổ chức họp giao ban hàng tháng với các tổ hòa giải để kịp thời nắm bắt các vụ việc phát sinh cũng như hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời để công tác hòa giải đạt hiệu quả cao, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở.
Cùng với đó, UBND phường tích cực tham gia các cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” do thành phố, quận tổ chức vào các năm 2014, 2019, 2023. Năm 2019, hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải của phường được UBND quận lựa chọn tham gia đội thi Hòa giải viên giỏi của quận Hoàn Kiếm dự thi cấp thành phố, kết quả đạt giải Nhất Cụm I thành phố và giải Nhì toàn thành phố. Năm 2023, đạt giải Nhất cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp quận và được chọn là đại diện cho bài thi của quận Hoàn Kiếm tham dự Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp thành phố, kết quả đạt Giải Ba và Giải phụ Sáng tạo cấp thành phố.
Nhờ triển khai thi hành Luật hiệu quả, công tác hòa giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực, chất lượng hòa giải các vụ việc được nâng lên. Trong 10 năm qua, tỉ lệ hòa giải thành trung bình đạt 85 %. Tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” đạt 100%.
Hoạt động hòa giải góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ Lê Minh Đức chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Hàng Bồ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tuy nhiệt tình, trách nhiệm, có kinh nghiệm và uy tín trong Nhân dân nhưng chủ yếu là người cao tuổi nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Việc nghiên cứu văn bản, cập nhật kiến thức pháp luật mới còn khó khăn.
Thứ hai, việc trang bị tài liệu pháp luật cho các hòa giải viên còn hạn chế.
Thứ ba, kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở còn thấp, chưa động viên được tinh thần cán bộ hòa giải.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, UBND phường Hàng Bồ xin kiến nghị và đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Cần có quy định về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, vì có những trường hợp sau khi hòa giải thành xong, các bên không thực hiện những nội dung đã cam kết trong biên bản hòa giải dẫn đến việc giải quyết các khiếu kiện của chính quyền gặp nhiều khó khăn.
Cần quan tâm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở nhất là kinh phí thù lao cho tổ trưởng tổ hòa giải; Cần có cơ chế chính sách, phụ cấp trách nhiệm thường xuyên đối với hòa giải viên để khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm vì công đồng.
Ông Lê Minh Đức khẳng định: “bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở phường Hàng Bồ thời gian qua đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật đồng thời hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn”.