Chất lượng dân số là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế
Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng vấn đề chất lượng dân số cũng đang đứng trước nhiều thách thức… Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia.
Nhiều thách thức đối với công tác dân số
Vấn đề dân số tác động rất lớn đối với sự phát triển KT-XH. Thời gian qua, tất cả các quốc gia đều rất quan tâm đến vấn đề dân số. Nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII nêu rõ: Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), những năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh… Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập… đang đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác nâng cao chất lượng dân số.
Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong thời kỳ mới”, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Chất lượng dân số tuy đã nâng lên rất nhiều, nhưng so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển KT-XH, hội nhập thì rất đáng suy nghĩ. Tuổi thọ được nâng lên nhưng cuộc sống, sức khỏe của người cao tuổi chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Tỷ lệ thấp, còi của người Việt Nam cũng đáng lưu ý. Ví dụ, ở Nhật Bản, độ cao của người dân tăng nhanh trong mấy thập kỷ, còn Việt Nam thì rất chậm. Thể còi xương của các cháu dưới 5 tuổi cũng đáng lưu tâm. Tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh còn rất lớn. Nếu như năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2018, tỷ số này tăng lên gần 115 bé trai/100 bé gái. Có thể nói, vấn đề dân số chính là “cửa ngõ” xung yếu để quốc gia phát triển bền vững, tồn tại lâu dài. Việc phát triển dân số trong tình hình mới không chỉ có tầm quan trọng với quốc gia mà đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và từng cá nhân. Như vậy, phát triển dân số trong tình hình mới theo định hướng là rất quan trọng.
Nâng cao chất lượng dân số
GS, TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: “Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thắng lợi trong quá trình cạnh tranh cũng như phát triển bền vững của đất nước. Trong nhiều mô hình tính toán thống kê về kinh tế lượng, chúng tôi thấy rất rõ sự phát triển bền vững của đất nước chủ yếu trong tương lai dài hạn là dựa vào năng suất lao động, tức là dựa vào chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số. Đó là yếu tố duy nhất để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Lý giải về chất lượng dân số chưa cao, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Người dân Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm nhiều về việc đi khám tiền hôn nhân vì truyền thông chưa sâu rộng. Dưới góc nhìn chuyên môn, chất lượng dân số còn liên quan đến nhiều vấn đề khác chính là nhóm con người. Với y học hiện nay, chúng ta biết được từng cá thể và biết được từng bộ gen của từng cá thể để từ đó tạo ra được từng cá thể theo ý muốn, có thể dự phòng được giáo dục và bệnh tật. Ở Việt Nam chỉ mong muốn sàng lọc để giúp các cặp vợ chồng biết họ có mang gen bệnh trong người hay không, từ đó đưa ra lời tư vấn cho các cặp vợ chồng và đưa ra lời khuyên khi họ mang thai”. PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cũng đề nghị, đối với việc sàng lọc trước sinh, rất mong Chính phủ, Quốc hội đưa sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Ở các nước tiên tiến hiện nay thường dành một khoản tiền đầu tư cho sức khỏe sinh sản để tạo ra chất lượng dân số tốt. Chúng ta nên có chính sách quan tâm đến sức khỏe người phụ nữ vì đây là yếu tố rất quan trọng để cải thiện chất lượng dân số.