'Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị'

Đó là phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội. Phương châm này đã được Học viện Lục quân bám sát, triển khai nhiều năm qua và đạt được kết quả tích cực.

Lãnh đạo Học viện Lục quân kiểm tra các nội dung thực hành của học viên

Lãnh đạo Học viện Lục quân kiểm tra các nội dung thực hành của học viên

Phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với đơn vị; giữa chất lượng đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch với kết quả thực hiện nhiệm vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị cấp trung, sư đoàn trong toàn quân; trong đó, chất lượng đào tạo giữ vai trò quyết định, vì có đào tạo ra người chỉ huy giỏi mới huấn luyện đơn vị giỏi; đồng thời, phương châm thể hiện rõ vai trò tác động trở lại của đơn vị với công tác giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng huấn luyện.

Tại Học viện Lục quân - trung tâm giáo dục, đào tạo cán bộ quân sự trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học quân sự lớn, có uy tín của quân đội, từ năm 2021 đến nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện tốt phương châm trên.

Tại hội nghị sơ kết thực hiện phương châm này giai đoạn 2021 - 2024, Thiếu tướng Đỗ Minh Xương - Giám đốc Học viện Lục quân thông tin: Cùng với việc quán triệt nghiêm túc đường lối, chủ trương về quốc phòng của Đảng, Nhà nước, các văn bản về giáo dục, đào tạo của Bộ Quốc phòng; Học viện đã ban hành nghị quyết lãnh đạo năm học, nghị quyết chuyên đề về giáo dục, đào tạo phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng, khoa giảng viên chủ động xây dựng, bổ sung, điều chỉnh, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy từng đối tượng học viên, đáp ứng chuẩn đầu ra, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Theo đó, trong giai đoạn này, Học viện thường xuyên mời lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài quân đội đến giảng bài lý luận, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu chuyên đề thông tin khoa học quân sự cho cán bộ, giảng viên, học viên. Nội dung truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, thông tin khoa học tập trung vào việc cập nhật, vận dụng lý luận vào thực tiễn, những vấn đề thực tiễn ở các đơn vị cơ sở đang đặt ra và những quan điểm, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, quân đội.

Học viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, liên hệ với các đơn vị và báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng đưa các đồng chí giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đi thực tế, luân chuyển tại các đơn vị trong toàn quân bằng nhiều hình thức theo hướng rút ngắn thời gian mỗi đợt, tăng số đợt và số lượng. Đồng thời, tổ chức đi nghiên cứu, học tập thực tế tại một số đơn vị thuộc các Quân khu 1, 4, 5, 7; các Quân đoàn 2, 3, 4. Tổ chức cho các khoa giảng viên đi nghiên cứu, học tập thực tế tại các Quân khu 7, 9; các Quân đoàn 1, 2, 3, 4. Từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tế, Học viện Lục quân đã điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo cho phù hợp với từng đối tượng theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành tập bài, bồi dưỡng các kỹ năng trong từng nội dung học phần… Từng bước xác định biện pháp khắc phục các điểm còn hạn chế, nhất là về kỹ năng xử lý tình huống và năng lực thực hành cho học viên.

Học viện cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, nhất là cuộc xung đột quân sự gần đây trên thế giới để điều chỉnh, bổ sung vào nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp, sát thực tế. Cho đến nay, Học viện Lục quân đã triển khai xây dựng mới 38 chương trình đào tạo, điều chỉnh 37 chương trình chi tiết các học phần với quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về nội dung của chương trình nhằm đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo cán bộ quân sự cấp chiến thuật, chiến dịch hiện nay. Song song với đó, quá trình tổ chức điều hành huấn luyện thường xuyên rút kinh nghiệm để năm sau điều chỉnh, xây dựng chương trình chi tiết các học phần hiệu quả hơn năm trước. Công tác thanh tra, kiểm tra huấn luyện được tiến hành thường xuyên, toàn diện trên tất cả các mặt nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra và sát với thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện cũng đã triển khai hiệu quả 3 nội dung đột phá: “Chất lượng giảng dạy tốt nhất; quản lý, rèn luyện, học tập nghiêm nhất; kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất”. Đồng thời, triển khai tốt 3 “thực chất”: “Dạy thực chất - học thực chất - kiểm tra, đánh giá thực chất” và 3 “không”: “Không tiêu cực trong thi cử - không bệnh thành tích - không vi phạm đạo đức nhà giáo”.

Với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tốt phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, chất lượng đào tạo của Học viện Lục quân cũng được nâng lên rõ rệt. Và việc năm 2024, Học viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chỉ đạo, đạo diễn diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 2 cấp trên bản đồ và ngoài thực địa cho Trường Sĩ quan Lục quân 2 theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đạt kết quả tốt là một trong những minh chứng chất lượng đào tạo của Học viện.

Giai đoạn tới, Học viện Lục quân tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Học viện tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa sát với chuẩn đầu ra các đối tượng đào tạo và thực tiễn đơn vị cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; kết hợp bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư duy với rèn luyện năng lực thực hành cho người học; duy trì chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo để tiếp tục giữ vững vị thế, uy tín của Học viện.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202408/chat-luong-dao-tao-cua-nha-truong-la-kha-nang-san-sang-chien-dau-cua-don-vi-84e2f01/