Nóng - lạnh chuyện cứu trợ

Tốc độ truyền tin siêu nhanh của không gian mạng giúp thông điệp của tinh thần tương thân tương ái lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Bên cạnh dòng chủ lưu là năng lượng tích cực, hoạt động cứu trợ hướng về đồng bào vùng bão, lũ đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Nếu không có những điều chỉnh về tư duy và cách làm, nhiều phân khúc, lĩnh vực trong hành trình thiện nguyện sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn, nếu không muốn nói là sẽ lãng phí tiền của, nguồn lực…

ĐỪNG GÓI BÁNH KIỂU “PHONG TRÀO”

Liên tục những ngày qua, không gian mạng ngập tràn thông tin, hình ảnh về phong trào gói bánh chưng, làm giò chả cứu trợ đồng bào vùng bão, lũ phía Bắc của nhiều địa phương miền Trung. Việc làm này được một số phương tiện truyền thông và rất nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội lan truyền, cổ vũ, khiến “phong trào” gói bánh chưng, làm giò chả… đang có xu hướng lan rộng, phát triển ở nhiều địa phương khác. Theo đó, ở nhiều địa phương bà con huy động cả làng tập trung gói, nấu bánh chưng, giò chả xuyên đêm để vận chuyển ra các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tấm lòng, nghĩa cử “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” trong cảnh hoạn nạn thật cao quý và đáng trân trọng. Nhưng, xem cái cách bà con ta “thi đua” gói bánh chưng, làm giò chả thì thấy không ổn một chút nào. Bánh chưng, giò chả là loại thức ăn nhanh. Nghĩa là nó phải ăn ngay, ăn luôn, không để dành được. Hạn sử dụng của nó chỉ trong vòng 3-5 ngày. Với hàng vạn chiếc bánh, đòn giò, công sức bà con bỏ ra từ quy trình chế biến, đun nấu đến vận chuyển, đưa đến tận tay người dùng là vô cùng vất vả. Thế nhưng, để đưa được những sản phẩm ấy đến vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông còn bị chia cắt do hậu quả thiên tai, cần phải có khoảng thời gian ít nhất là cả tuần lễ. Thử tưởng tượng xem, bao nhiêu công sức bỏ ra, khi bà con mình nhận được quà cứu trợ thì nó đã hỏng, ôi thiu, phải bỏ đi. Công sức, tiền của lãng phí đã đành, lại còn thêm tác nhân gây ô nhiễm môi trường…

Người dân Đà Nẵng gói bánh chưng, bánh tét gửi đến đồng bào vùng lũ miền Bắc - Ảnh: NVCC

Bánh chưng, giò chả, ít và gần thì được, chứ nhiều quá, lại vận chuyển xa thì không ổn. Hoàn toàn không ổn!

Lợi bất cập hại!

Kính chẳng bõ phiền!

Bài học này đã có từ trước, diễn ra ở nhiều địa phương. Đơn cử, trong đại dịch Covid-19 năm 2021 ở TP. Hồ Chí Minh, hàng tấn thức ăn nhanh (trong đó có không ít bánh, giò chả các loại) khi đưa từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào, đã không còn sử dụng được. Đã lãng phí lại còn thêm gánh nặng cho lực lượng vệ sinh môi trường ở thành phố.

Vì vậy, bà con ta không nên ồ ạt gói bánh chưng, giò chả (và các loại bánh, thức ăn chế biến sẵn khác) như cái nhiều địa phương đang làm hiện nay. Đừng hành động cảm tính, đừng cứu trợ kiểu “phong trào”. Đừng cứu trợ cái mình có, mà hãy cứu trợ thứ người dân vùng bão lũ đang cần. Thay vì ồ ạt gói bánh, làm giò, bà con nên dành phần nếp, gạo, đậu và những thứ nguyên liệu thô khác đóng gói cẩn thận thành từng bao nhỏ khoảng 3-5kg. Những bao gạo, nếp ấy hữu ích hơn nhiều, tiện lợi hơn nhiều và tiết kiệm hơn nhiều.

ĐỪNG THAN VÃN, HÃY TRUYỀN CHO NHAU NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

“Đau đớn quá”! “Thương quá”! “Xót xa quá”! “Trời ơi là trời”!...

Những dòng cảm thán ấy ngập trên không gian mạng những ngày qua. Ở một chừng mực nhất định, đó là những phản ứng bình thường và cần có của cảm xúc con người, khi ta chứng kiến đồng bào mình rơi vào cảnh đau thương, mất mát, khốn khổ do hậu quả thiên tai.

Nhưng, sự cảm thán ấy có giúp đồng bào mình được chút gì không? Nói ngay và luôn là không, nếu không muốn nói, cứ truyền cho nhau trạng thái đau buồn, ủ rũ ấy, đời sống xã hội sẽ hình thành trường năng lượng tiêu cực, bi quan. Trong nhiều trường hợp, sự ta thán ấy còn khơi mào, tiếp tay cho những hành vi bất lương, dàn dựng hình ảnh đau thương giả để câu view, trục lợi. Thông tin, hình ảnh “giả cầy” về ông chồng đặt bà vợ và đứa con nhỏ trong chậu thau nhựa “vượt lũ” và hình ảnh đứa bé khóc bên đường do “mẹ bị lũ cuốn trôi” gây bức xúc cộng đồng mạng những ngày vừa qua là những ví dụ.

Bão qua rồi! Lũ cũng bắt đầu rút! Ngay lúc này, thứ bà con cần là năng lượng tích cực để đứng dậy, vực dậy nguồn lực khắc phục hậu quả, tiếp tục cuộc sống. Thay vì lên mạng than vãn, khóc lóc, ỉ ôi…, hãy dành một chút gì đó để cùng nhau giúp đỡ đồng bào mình. Truyền thông, mạng xã hội cũng cần cân nhắc, tiết chế việc đưa hình ảnh nước mắt, quan tài, nấm mồ… lên thông tin đại chúng. Xem những hình ảnh ấy vào lúc này chỉ xát thêm muối vào vết thương mà thôi. “Tiếng khóc không vơi được nỗi sầu đâu em! Nước mắt không đem lại chuỗi ngày ấm êm…”. Thay vì khai thác nỗi đau thương, hãy cùng dìu nhau, giúp nhau đứng dậy và bước tiếp.

ĐỪNG CỨU TRỢ KIỂU TÙY HỨNG

Đã và đang có hàng ngàn, hàng vạn tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội vận động cứu trợ. Thực trạng này, thoạt nghe, thoạt nhìn thì thấy vui, vì tinh thần “tương thân tương ái” đang trở thành hành động tự giác, tự nguyện, là nhu cầu tự thân của đại đa số đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Nhưng, nếu nhà nhà đứng ra vận động, người người đứng ra vận động, rồi thì thành lập các đoàn, các nhóm tự phát, tùy hứng, ồ ạt kéo về các địa phương vùng bão, lũ thì không ổn một chút nào.

Phàm, muốn làm việc gì có hiệu quả cũng cần có kỹ năng, trình độ chuyên môn. Cứu trợ cũng vậy. Nếu hành động vì cảm tính, cứ ào ào lên mạng xã hội vận động rồi tự phát, tùy hứng kéo nhau đi cứu trợ thành từng đoàn, từng nhóm thì nguy cơ mất an toàn là rất cao. Đồng thời, việc đi cứu trợ tự phát còn gây thêm phiền phức cho địa phương, “nước chảy chỗ trũng”, nơi cần cứu trợ thì không có ai đến, nơi ồ ạt người đến thì hàng hóa lại thừa. Những ngày qua đã có trường hợp người đi cứu trợ gặp tai nạn, bị lũ cuốn. Cứu trợ không được, lại trở thành gánh nặng cho gia đình, tổ chức, địa phương, xã hội. Ấy là chưa nói đến những tiêu cực phát sinh. Nhiều kẻ táng tận lương tâm lợi dụng vận động cứu trợ để trục lợi, lừa đảo, làm cho tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp, nguy cơ lây lan các loại bệnh tật.

Chính vì vậy, ngoài những cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp; các tổ chức, hội, đoàn, nhóm, cá nhân… nên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ nơi cư trú để công tác cứu trợ được tổ chức bài bản, chu đáo, an toàn, hiệu quả.

HÃY CÔNG KHAI, MINH BẠCH THÔNG TIN

Việc công khai sao kê từ thiện từ dữ liệu ngân hàng của UBMTTQ TP. Hồ Chí Minh và tiếp đó là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là một nét mới của công tác thiện nguyện, hướng đến công khai, minh bạch, giảm thiểu các hành vi gian lận, trục lợi, tiêu cực.

Cộng đồng mạng đang có tâm trạng vừa bức xúc, vừa phẫn nộ, vừa “hả hê”… khi có không ít nhân vật lợi dụng hoạt động thiện nguyện để làm màu, đánh bóng bản thân. Ủng hộ có 500 ngàn thì vống lên thành 500 triệu đồng; tự chuyển tiền vào tài khoản của mình rồi “hô biến” thành tài khoản của UBMTTQ…

“Cháy nhà ra mặt chuột” là thế đấy. Công khai minh bạch là thứ vũ khí cần thiết để “lũ chuột” không có chỗ cư trú, gặm nhấm trong môi trường thiện nguyện.

Nhưng, công khai nguồn thu (đầu vào) chưa đủ. Cần công khai, minh bạch cả nguồn chi (đầu ra). Cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ các địa phương nơi tiếp nhận nguồn tiền, hàng cứu trợ, cũng cần công khai sao kê (nếu giao dịch qua ngân hàng) và danh sách người thụ hưởng trước công luận. Ai, ở đâu, nhận được thứ gì, nhận bao nhiêu tiền… cần có danh sách, địa chỉ, chữ ký người thụ hưởng và công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội.

Công khai, minh bạch thông tin chính là cơ sở tạo dựng niềm tin cho người dân và các mạnh thường quân để họ tin tưởng phối hợp thực hiện công tác thiện nguyện, hạn chế các hành vi tự phát.

Hoạt động thiện nguyện là sự tự giác, tự nguyện, tự thân… của mỗi người. Người Việt mình thường hành động cảm tính và mắc hội chứng đám đông. Trong lúc trái tim chúng ta đang nóng lên thì cái đầu cần phải “lạnh”. Cảm xúc và lý trí cần song hành cùng nhau. Cách làm, hành trình có khoa học, hợp lý thì hiệu quả và đích đến mới trọn vẹn.

Phan Tùng Sơn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/162702/nong-lanh-chuyen-cuu-tro