Chất lượng đào tạo của trường quân đội là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị

Các nhà giáo Quân đội đã tận tụy với công việc, nỗ lực đào tạo ra đội ngũ sĩ quan ưu tú 'vừa hồng, vừa chuyên' đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo phương châm 'Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị'.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng lẵng hoa chúc mừng Học viện Hậu cần nhân ngày 20/11.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng lẵng hoa chúc mừng Học viện Hậu cần nhân ngày 20/11.

Muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi

Với đặc thù của hoạt động sư phạm quân sự, nhà giáo Quân đội vừa là người thầy truyền thụ kiến thức như những nhà giáo ở môi trường ngoài Quân đội cũng như truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học; vừa là người đồng chí với học viên.

Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những yêu cầu phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ rất nhanh đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Các vấn đề mới, như: “Giáo dục thông minh”, “chuyển đổi số”, “ĐH số” đang dần trở nên phổ biến. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định đã đặt ra yêu cầu cấp thiết với công tác GD&ĐT trong Quân đội.

Những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo (ĐNNG), cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) trong Quân đội đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT của các nhà trường Quân đội. Trình độ học vấn, tỷ lệ qua thực tế đơn vị, qua đào tạo giáo viên, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm của ĐNNG, CBQLGD ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo của các cấp học, bậc học, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, quản lý, rèn luyện các thế hệ học viên. Trong sự trưởng thành của hệ thống nhà trường Quân đội có sự đóng góp to lớn của ĐNNG, CBQLGD.

Thiếu tướng, PGS. TS. NGƯT Vũ Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho biết, nhà trường đã và đang đào tạo 74 khóa học, trong đó có 70 khóa đã tốt nghiệp, với hơn 74 ngàn học viên ra trường. Trong số đó, nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội. Tại Đại hội lần thứ XIII, có 8 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nguyên là học viên của nhà trường.

Hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 có trình độ ĐH và sau ĐH; trong đó 60,78% trình độ sau ĐH, 9 Phó giáo sư (PGS), 88 Tiến sĩ (TS), 742 Thạc sĩ, 1 NGƯT, 6 giảng viên cao cấp, 77 giảng viên chính. Riêng đội ngũ giảng viên có trên 74% trình độ sau ĐH, 6 PGS, 66 TS…

Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội, Học viện Chính trị có 7 Nhà giáo Nhân dân, 24 Nhà giáo Ưu tú, 1 GS, 42 PGS, 96 TS, 275 thạc sĩ. Còn Học viện Hậu cần có gần 82% cán bộ, giảng viên có trình độ sau ĐH (gần 30% GS, PGS, TS); 50% nhà giáo được công nhận chức danh sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật, nghiệp vụ ngạch khởi đầu, ngạch chính, ngạch cao cấp; hơn 42% đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học; nhà giáo giỏi các cấp đạt 82%. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD&ĐT cả trước mắt và lâu dài của Học viện.

Chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Áp dụng phần mềm mô phỏng vào giảng dạy tại Học viện Hải quân.

Áp dụng phần mềm mô phỏng vào giảng dạy tại Học viện Hải quân.

Đội ngũ nhà giáo, CBQLGD là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng GD&ĐT. Vì vậy, các nhà trường Quân đội luôn coi trọng kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQLGD đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hóa về chất lượng và có lượng dự trữ phù hợp.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu cho biết, các chủ trương, chính sách về xây dựng ĐNNG, CBQLGD đã được xác định trong Nghị quyết 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về đổi mới công tác GD&ĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Đề án “Xây dựng ĐNNG, CBQLGD trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” đã được Thường vụ QUTƯ quyết nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) phê duyệt tại Quyết định 3525/QĐ-BQP ngày 3/8/2023. Đây là minh chứng về sự quan tâm của QUTƯ, BQP với ĐNNG Quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Tháng 8/2023, Bộ trưởng BQP đã ban hành Quyết định 3525/QĐ-BQP phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”. Đề án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 2023 - 2025; giai đoạn 2, từ 2026 - 2030; giai đoạn 3, từ sau năm 2030. Mục tiêu của đề án xác định: Mỗi năm có hơn 35 nhà giáo Quân đội được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; trong mỗi đợt xét có hơn 15 nhà giáo, CBQLGD Quân đội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Từ 2026 đến hết năm 2030, đội ngũ nhà giáo, CBQLGD có 95% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và BQP; 75% trở lên qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng; 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế... Có 1.500 nhà giáo, CBQLGD được đi đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý…

Đề án cũng xác định giai đoạn 2023 - 2030, tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho các nhà giáo, CBQLGD được tuyển chọn đi đào tạo nước ngoài và đào tạo sau ĐH. Đào tạo văn bằng 2 về ngoại ngữ cho 1.500 - 2.000 nhà giáo, CBQLGD; bồi dưỡng đạt chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ IELTS 5.0 và tương đương trở lên cho 1.800 - 2.200 nhà giáo, CBQLGD. Đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ đạt bậc 3, bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) với 5.000 - 6.000 nhà giáo, CBQLGD.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng ĐNNG và CBQLGD trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” được Bộ Tổng Tham mưu tổ chức mới đây, đại biểu các cơ quan, đơn vị, nhà trường, CBQLGD trong toàn quân đều bày tỏ lạc quan trước quyết sách mang tầm chiến lược về công tác GD&ĐT trong Quân đội chính thức đi vào cuộc sống.

Việc đẩy mạnh đổi mới GD&ĐT đang trở thành vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu của Đề án, toàn quân phải bám sát định hướng của QUTƯ, BQP, đẩy mạnh kiện toàn hệ thống nhà trường bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Quá trình thực hiện, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng; quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ với đội ngũ nhà giáo, CBQLGD. Coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có chức danh khoa học, giáo viên dạy giỏi, NGND, NGƯT.

Từng năm học, khóa học, các trường tổ chức tốt các cuộc diễn tập chỉ huy - cơ quan gắn với đối tượng đào tạo, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên gắn lý luận với thực tiễn; thực hiện tốt kế hoạch luân chuyển giảng viên, CBQLGD giữ cương vị quản lý, chỉ huy ở các đơn vị để rèn luyện, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng BQP đã gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, CBQLGD đã và đang công tác trong Quân đội.

Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước đòi hỏi mới của sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ; yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; các học viện, nhà trường Quân đội cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của QUTƯ, BQP, nhất là các đề án về GD&ĐT. Tăng cường quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ XHCN, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức, năng lực toàn diện, tác phong, phương pháp giảng dạy và làm việc chuyên nghiệp, khoa học; đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa và chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chat-luong-dao-tao-cua-truong-quan-doi-la-kha-nang-san-sang-chien-dau-cua-don-vi-post496094.html