Chất lượng dịch vụ di động từ góc nhìn đấu giá băng tần

Việc các nhà mạng sử dụng băng tần di động nào để cung cấp dịch vụ viễn thông di động tưởng chừng là câu chuyện kỹ thuật của doanh nghiệp. Song, nó lại mang nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng khi chất lượng dịch vụ internet di động tốt hơn, dịch vụ đa dạng hơn. Từ đó, góp phần đem lại nguồn doanh thu mới và tích cực hơn cho nhà cung ứng dịch vụ, tạo sự thuận lợi trong phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử… Do đó, doanh nghiệp viễn thông mong muốn băng tần 2300MHz-2400 MHz sớm được đưa vào đấu giá thành công và sử dụng trong thực tế.

Dịch vụ internet 4G đang được người dùng di động sử dụng nhiều để giải trí, học tập… Ảnh minh họa: DNCC

Dịch vụ internet 4G đang được người dùng di động sử dụng nhiều để giải trí, học tập… Ảnh minh họa: DNCC

Đấu giá băng tần di động: thất bại vì giá quá cao?

Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz-2400MHz, nhưng không có nhà mạng nào tham gia. Trong khi đó trước đây, tại nhiều cuộc họp của Bộ này tổ chức, các nhà mạng đã nhiều lần kiến nghị cần sớm triển khai đấu giá băng tần này.

Trong lần đấu giá lần này, Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) xác định giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỉ đồng. Các khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm bằng nhau là 5.798 tỉ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm. Như vậy một nhà mạng mỗi năm phải trả phí hơn 380 tỉ đồng để sử dụng một khối băng tần.

Hiện các nhà mạng không hề đưa ra thông tin chính thức về việc vì sao không tham gia đấu giá băng tần trên trong khi đó trước đây liên tục kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đưa băng tần này ra đấu giá.

Song, trao đổi với KTSG Online, các lãnh đạo nhà mạng (không muốn nêu tên) cho biết, các nhà mạng rất muốn có băng tần trên để cung cấp dịch vụ 4G, 5G. Tuy nhiên mức giá được đưa ra để đấu giá quá cao. Trong khi đó hiện nay doanh thu trên mỗi thuê bao của nhà mạng quá thấp, có khi chỉ vài chục ngàn đồng một tháng. Nhà mạng luôn phải cân đối bài toán hiệu quả kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, không dễ để tăng doanh thu trên mỗi khách hàng sử dụng điện thoại di động.

Đấu giá tần số di động là việc chưa từng được triển khai tại Việt Nam. Trước đây, tần số viễn thông di động được cấp phép cho các nhà mạng thông qua cấp phát hoặc thi tuyển. Hằng năm các nhà mạng chỉ phải trả phí sử dụng băng tần theo quy định của Bộ Tài chính.

Tần số dùng cho mạng di động được coi là dạng tài nguyên viễn thông quý hiếm. Do đó để phát triển theo xu hướng cũng như quy hoạch tài nguyên tần số, Chính phủ đã triển khai số hóa truyền hình để quy hoạch băng tần 2300MHz-2400MHz chuyển sang sử dụng cho di động.

Bài toán nguồn thu ngân sách và tạo động lực cho doanh nghiệp

Thực tế, nếu việc triển khai đấu giá băng tần diễn ra suôn sẻ, ngân sách nhà nước sẽ thu được một khoản tiền. Song, khi băng tần trên chưa đấu giá được mà không tìm cách để nó được đưa vào sử dụng sẽ gây lãng phí tài nguyên, thất thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó các nhà mạng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tìm hiểu để có thể đưa ra mức giá đấu giá của băng tần 2300MHz-2400MHz hợp lý hơn để có thể bán được.

Ở góc độ doanh nghiệp, nếu các nhà mạng có được băng tần trên sẽ thuận tiện hơn để cung cấp dịch vụ internet di động 4G, 5G. Hiện nay do chưa có băng tần phù hợp, các nhà mạng đang sử dụng các băng tần khác được cấp phát hoặc thi tuyển trước đây để cung cấp và thử nghiệm dịch vụ 4G, 5G. Tuy nhiên băng tần 2300MHz-2400MHz được các chuyên gia cho rằng đây mới là băng tần tối ưu, có thể cung cấp dịch vụ 4G, 5G tốt nhất trong các tài nguyên tần số hiện có của Việt Nam.

Do đó khi có băng tần 2300MHz-2400MHz thì các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ 4G, 5G tốt hơn. Khi đó, vài chục triệu người dùng dịch vụ internet di động tại Việt Nam được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn.

Dịch vụ internet di động 4G đã được các nhà mạng cung cấp tại Việt Nam vài năm nay, nhưng theo các chuyên gia, tốc độ được cung cấp cho người sử dụng chưa thực sự đạt tiêu chuẩn công nghệ 4G.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế 4G/5G diễn ra khi còn làm Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đoàn Quang Hoan đã thẳng thắn, cho biết tốc độ 4G được cung cấp cho người dùng tại Việt Nam chưa đạt được tốc độ tiêu chuẩn, bởi nó bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng. Sau khi về hưu hiện ông làm Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.

Thực tế, các nhà mạng Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz và 2.100 MHz – đây là những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn. Trong khi đó băng tần có thể giúp cho tốc độ 4G tại Việt Nam tốt hơn lại là 2300MHz-2400MHz.

Với băng tần chuẩn bị đấu giá trên, nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ 4G hoặc 5G. Trước đây, các nhà mạng đã kiến nghị Chính phủ sớm cho đấu giá băng tần trên bởi họ cho biết đã không còn đủ băng tần để phát triển thêm thuê bao 4G.

5G là công nghệ viễn thông thế hệ mới đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, có tốc độ cao hơn 4G rất nhiều và phù hợp cho kết nối với máy móc và thiết bị cho xu hướng của internet kết nối vạn vật IoT. Công nghệ 5G đang được Bộ Thông tin và truyền thông cho phép cho các nhà mạng cung cấp thử nghiệm tại một số tỉnh thành phố trên cả nước, để đánh giá về kĩ thuật trước khi cơ quan này cho phép cung cấp thương mại hóa đến người dùng trong thời gian tới.

Như vậy, với băng tần hiện các nhà mạng đang sử dụng thì việc cung cấp dịch vụ 4G còn chưa đạt chất lượng và tốc độ tốt, đúng tiêu chuẩn chứ chưa nói đến việc cung cấp dịch vụ 5G. Do đó, các nhà mạng và các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tìm cách để đưa băng tần mới vào đấu giá thành công để sử dụng để các nhà mạng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ internet di động cung cấp cho người dùng.

Bên cạnh đó, tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo gần đây, vai trò của công nghệ 5G đã được các chuyên gia trong và ngoài nước nhiều lần nhắc đến như: là hạ tầng internet di động tốc độ cao, đủ tài nguyên để thúc đẩy xu hướng IoT, thúc đẩy phát triển kinh tế số (hiện người dân dùng điện thoại di động thông minh có kết nối internet di động để nghe nhạc, xem phim và livestream bán hàng trực tuyến ngày càng nhiều nên cần có internet di động tốc độ cao để tránh nghẽn mạng)…

Do đó, các nhà mạng, chuyên gia viễn thông cho rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế số như định hướng của chính phủ, việc sớm đưa băng tần 2300MHz-2400MHz vào sử dụng là việc làm cần thiết. Bởi nó đem lại lợi ích cho cả phát triển kinh tế quốc gia, nhà mạng và người dùng dịch vụ internet di động…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chat-luong-dich-vu-di-dong-tu-goc-nhin-dau-gia-bang-tan/