Chất lượng giáo dục 'ảo' cấp trung học cơ sở khắc phục như thế nào?

Trong kỳ thi vào lớp 10 phổ thông trung học, có khá nhiều học sinh tổng cả 3 môn thi chưa được 5 điểm, thậm chí thi 3 môn mà một môn điểm 0, còn 2 môn cũng chỉ đạt mỗi môn 0.25 điểm.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có bài viết: "Thi vào lớp 10 chỉ 1 điểm/môn là đỗ, học sinh sẽ học trung học phổ thông thế nào?" đề cập đến điểm số quá thấp sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các tỉnh thành. Bàn thêm về chất lượng giáo dục trung học cơ sở ở các tỉnh thành, các giáo viên đưa ra một số giải pháp chống "chất lượng ảo" đáng chú ý.

Có những học sinh không muốn học

Nguyễn T. L - giáo viên một trường trung học cơ sở ở địa phương chia sẻ: "Có những học sinh không muốn học. Dạy những học sinh này, chúng tôi khốn khổ lắm. Trên lớp, mấy em này không bao giờ chịu ngồi yên để nghe giảng. Em thì nằm ngủ, em quậy phá bạn. Gọi trả bài thì nói thẳng với giáo viên "cô cứ ghi em luôn điểm 0 cho nhanh".

Cô giáo Nguyễn T.L trải lòng thêm: "Cho điểm 0 thì quá dễ nhưng môn dạy của em sẽ khó đạt chỉ tiêu đã giao thì giáo viên cũng mệt. Thế nên, nhiều khi phải năn nỉ học sinh học một câu nào đó để kiểm tra cho đúng quy định".

Thầy giáo H.D cũng cho biết: "Để cho điểm học trò theo ý mình thì quá dễ nhưng vẫn muốn các em tự nỗ lực học nên tôi chỉ luôn nội dung về học: "Em về học phần này, mai thầy kiểm tra để gỡ điểm". Thế nhưng, có em trả lời dứt khoát: "Em không học đâu! Thầy đừng gọi lên bảng mất công. Thầy thích cho mấy điểm cũng được".

Thầy giáo H.D khẳng định: "Những học sinh như này không phải là ít. Mỗi lớp cũng có đến vài em. Có lớp đến hàng chục em như thế. Những học sinh này, gần như đi học không ghi bài, không nghe giảng. Lên lớp chỉ ngồi cho có và hết giờ lại về".

Phụ huynh bất lực hoặc không hợp tác

Cô giáo Nguyễn T.L nói rằng: "Tôi nhiều lần liên hệ với phụ huynh để phối hợp giáo dục nhưng có phụ huynh đến trường trình bày rằng "gia đình cũng bất lực rồi, không thể nói được con, trăm sự nhờ thầy cô giúp đỡ".

Có những phụ huynh không nghe điện thoại thầy cô gọi đến, không trả lời tin nhắn. Giáo viên tới nhà còn không tiếp hoặc không bao giờ gặp được vì bận đi làm.

Những học sinh này là con em những gia đình cha mẹ mải lo làm ăn vì cuộc sống quá khó khăn, Có em sống thiếu cha hoặc mẹ, hoặc thiếu cả cha lẫn mẹ được nội hoặc ngoại già yếu cưu mang. Như vậy, bản thân các học sinh thiếu sự sát sao chăm lo từ khi nhỏ tới lớn, rất khó uốn nắn về tinh thần, nỗ lực học tập cũng như bổ sung kiến thức.

Làm gì để tháo bỏ áp lực thành tích cho giáo viên

Trước kết quả thi vào lớp 10, quá thấp của một số học sinh, khi được hỏi: "Học yếu như thế sao vẫn có thể tốt nghiệp lớp 9 để dự thi vào 10?", một số thầy cô giáo dạy bậc trung học cơ sở trần tình: "Điểm học của những học sinh ấy chỉ luôn ở mức điểm 0, điểm 1, điểm 2. Nhưng không thể thẳng tay cho những điểm như thế vì sẽ bị nhà trường nhắc nhắc nhở. Để kéo điểm của những học sinh này, cũng là vấn đề làm nhiều thầy cô đau đầu".

Một số giáo viên giải thích để học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp lớp 9 thì tổng điểm trung bình phải đạt 5.0 trong đó không có môn nào tổng kết dưới 3.5.

Tuy nhiên, có em không chịu học, không chịu hợp tác nhưng giáo viên đánh giá thẳng tay sẽ không đạt chỉ tiêu chất lượng tối thiểu nhà trường đã đưa ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thành tích cá nhân của giáo viên mà còn ảnh hưởng đến tập thể nhà trường.

Không chỉ áp lực về chất lượng dạy học, thầy cô còn áp lực về sĩ số học sinh/lớp. Nếu làm gay gắt quá, sẽ có em bỏ học ngay. Vì cơ bản, những học sinh học yếu vốn dĩ đã không cần học.

Chỉ cần bị thầy cô nhắc nhở nhiều về việc học, đã có tình trạng một số em nghỉ học luôn, thầy cô đã phải đến tận nhà vận động cho đi học lại.

"Giải pháp vẹn cả đôi đường là thầy cô đã phải bằng mọi cách để các em đủ điều kiện tốt nghiệp lớp 9 rồi đi học trường nghề hay tiếp tục vào học tư thục", thầy giáo H. D cho biết thêm.

Đổi mới giáo dục từ nhà trường, giáo viên là chưa đủ

Rất khó nâng cao chất lượng học tập của học sinh khi ngành giáo dục đang thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Cứ nhìn vào tỉ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng ở nhiều trường học cả 2 bậc học và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lớp 9 hiện nay (gần như 100%, hoặc ít nhất cũng ở mức 99% trở lên) đã đủ thấy học sinh yếu, kém ít dần cơ hội được lưu ban.

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này thì căn bệnh sính thành tích trong giáo dục được xác định là nguyên nhân chính.

Vì thế, muốn chấm dứt chất lượng ảo như hiện nay, để nâng cao chất lượng giáo dục thực chất thì ngay từ bậc tiểu học đã phải có chuyện sàng lọc học sinh cẩn thận. Học sinh yếu kém, cần cho các em ở lại lớp.

Bên cạnh đó, mỗi trường học cần có thêm những biện pháp tích cực, hữu hiệu để phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém của lớp, của khối, của cả trường một cách thực chất.

Một vấn đề sẽ dẫn đến thay đổi cục diện chất lượng ở một cơ sở giáo dục - đào tạo là cán bộ quản lí cấp trên, người đứng đầu cần thay đổi tư duy, cách đánh giá giáo viên và học sinh hiện nay. Một số quan điểm như "lớp học có nhiều học sinh ở lại là giáo viên dạy yếu, kỹ năng sư phạm kém", hay "trường học có tỷ lệ học sinh lưu ban nhiều là công tác chỉ đạo chuyên môn nhà trường chưa đúng, chưa sâu sát…".

Cần động viên giáo viên, nhà trường đánh giá thật thực lực thầy cô và học trò để họ có thêm tinh thần, nỗ lực cho việc kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu kém thay vì chỉ trích.

Một số trường học, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng chiếm trên 98% nhưng vẫn là trường có tỉ lệ học sinh lưu ban cao nhất. Trong cuộc họp chuyên môn của ngành, đây chính là những trường sẽ bị nhắc nhở, bị giải trình vì sao lại để xảy ra tình trạng chất lượng thấp như vậy?

Không thể nói rằng, các trường đánh giá chất lượng giáo dục chính xác thì số lượng học sinh ở lại lớp nhiều hơn. Tương tự, những trường học khác ít học sinh ở lại không phụ thuộc vào việc đánh giá có chính xác hay không.

Trường nào cũng sẽ có trường hợp phụ huynh tới xin cho con được lên lớp, và ngược lại, xin cho con ở lại lớp. Cả hai trường hợp này đều không dễ giải quyết vì nhiều lý do. Chỉ có việc chấn chỉnh việc dạy và học, phụ đạo kịp thời học sinh yếu, phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, khích lệ giáo viên và học sinh cùng nỗ lực mới có thể có chất lượng giáo dục thực chất, hiệu quả.
Tham khảo thêm

Hà My

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chat-luong-giao-duc-ao-cap-trung-hoc-co-so-khac-phuc-nhu-the-nao-179230703144726935.htm