Chất lượng không khí những ngày cuối tuần cải thiện đáng kể
Số liệu về chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc trong tuần (từ 29/9 đến 5/10) do Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội công bố cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô trong những ngày cuối tuần cải thiện đáng kể. Chỉ số chất lượng không khí tại tất cả các trạm quan trắc đều ở mức trung bình và mức tốt.
Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí đã giảm nhiều so với tuần trước. Kim Liên là trạm duy nhất có một ngày chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt, các trạm còn lại chỉ số chất lượng không khí đều ở mức trung bình, kém.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, chỉ số chất lượng khí tại cả hai trạm đểu ở mức kém và mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 199 và 198.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, chỉ số chất lượng không khí của tuần này có xu hướng tăng nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, đối với cả 3 trạm trong tuần này không có ngày nào chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt, có 2 ngày ở mức trung bình, còn lại ở mức kém.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, vào đầu tuần, chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết của tuần trước nên chỉ số tại các trạm quan trắc cao. Nhưng đến cuối tuần (từ ngày 03/10-05/10) thì xuất hiện rải rác những cơn mưa, khí hậu mát mẻ, điều khí tượng thuận lợi, nền nhiệt ngày và đêm không có sự chênh lệch đáng kể, sáng sớm không còn xuất hiện sương mù nên chỉ số chất lượng không khí tại các trạm có xu hướng giảm mạnh so với tuần trước.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.
Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông … để hạn chế phát thải chất gây ô nhiễm ra môi trường.