Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức nguy hiểm
Sáng 16/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) có chất lượng không khí ở mức 500, mức nguy hiểm.
Đây là mức chỉ số ô nhiễm rất cao, thậm chí vượt xa mức cao nhất (chỉ số trên 300), cho thấy mức ô nhiễm không khí đã đến tình trạng báo động, sức khỏe tất cả người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước đó, khu vực thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề trong những ngày gần đây. Từ ngày 12/8 đến nay, khu vực này luôn có chỉ số ô nhiễm ở mức rất có hại cho sức khỏe (chỉ số 201-300). Đặc biệt từ chiều 15 đến sáng 16/8, khu vực này ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí tăng lên mức 500.
Trong khi đó, khu vực lân cận tỉnh An Giang và Nam Bộ nói chung ghi nhận tình trạng chất lượng không khí ở mức tốt cho sức khỏe. Khu vực Bắc Bộ ghi nhận một số điểm đo cho chỉ số ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe (151-200), tập trung chủ yếu ở Thủ đô Hà Nội gồm: Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình có chỉ số 157; Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân, có chỉ số 154; Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, có chỉ số 158; khu Vườn Dâu, Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có chỉ số 153; thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh có chỉ số 153.
Tại mức chỉ số chất lượng không khí từ 151-200, tất cả người dân có thể bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo các chuyên gia khí tượng, miền Bắc đang bước vào thu, hiện tượng sương mù có khả năng còn xuất hiện nhiều ngày, tập trung vào thời điểm tối, đêm và sáng sớm ở khu vực Bắc Bộ. Hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, có khả năng gây nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ và các khu vực sân bay và lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.
Để hạn chế tác hại của sương mù, khi người dân ra đường cần sử dụng khẩu trang y tế để ngăn ngừa khí độc trong sương, giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt, không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm. Trước khi mặc, người dân cần là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên quần áo, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch, tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng...
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...