Chất lượng không khí tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng ở mức rất xấu

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 30/12, kết quả quan trắc tại một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng ở mức rất xấu.

Ảnh chụp từ đường Nguyễn Trãi hướng ra Ngã Tư Sở (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Ảnh chụp từ đường Nguyễn Trãi hướng ra Ngã Tư Sở (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại tỉnh Thái Nguyên, kết quả quan trắc tại 4 trạm là đường Hùng Vương (thành phố Thái Nguyên), phường Mỏ Chè (thành phố Sông Công), phường Quan Triều (thành phố Thái Nguyên), khu vực sân vận động Giang Thép (phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên) lần lượt có chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 201, 213, 217 và 224.

Trạm đo tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên (số 437 Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên) có chỉ số AQI là 218; trạm đo tại cầu Thái Bình (đường Trần Thái Tông, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là 210.

Với thành phố Hà Nội, tại Trạm đo Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 213; hai trạm còn lại cũng ở mức xấu.

Khi chỉ số AQI ở mức 201-300, tương ứng với thang màu tím, thể hiện chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng chủ yếu từ khí thải của các loại phương tiện giao thông, khí thải và bụi từ các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất nội đô và khu vực lân cận, các hoạt động xây dựng công trình, dự án đô thị, hạ tầng giao thông... Đối với thành phố Hà Nội, vấn đề nổi bật nhất của ô nhiễm không khí là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10.

Các chuyên gia y tế ví bụi mịn là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe của con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới và các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe của người dân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đã tăng tần suất rửa đường, điều chỉnh thời gian rửa đường sang gần sáng đến trước giờ cao điểm, bổ sung lượt rửa đường vào giờ trưa... Đặc biệt, Công ty đề xuất áp dụng giải pháp sử dụng "pháo xa sương mù" để giảm mạnh, giảm nhanh ô nhiễm do bụi mịn gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhiều nước đã sử dụng giải pháp kỹ thuật này để dập bụi. Dung tích của xe phun sương hay còn gọi là "pháo xa sương mù" có thể chứa tới 10 tấn nước, phun sương liên tục trong 75 phút. Những hạt sương xe phun ra đạt kích cỡ micron, có thể phân giải những hạt phân tử bụi trong không khí hiệu quả. Nếu áp dụng, sử dụng xe phun sương, dập bụi với dung tích lớn, tầm phun cao hơn với khối lượng và tần suất phù hợp sẽ giảm lượng lớn khói bụi trong không khí tại các tuyến phố chính, các tuyến phố quan trọng của Hà Nội. Trước thực trạng mật độ giao thông ở Hà Nội dày đặc, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đơn vị sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phun sương phù hợp để tránh ảnh hưởng đến giao thông cũng như sinh hoạt của người dân.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông, người dân nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm (phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ nhỏ), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Đầu tháng 12, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã phát động cuộc thi “Tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí” và “Tranh số hành động vì môi trường không khí”. Hai cuộc thi hứa hẹn sẽ trở thành cầu nối khơi dậy tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào công tác cải thiện chất lượng không khí vì một môi trường sống trong lành và bền vững.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/chat-luong-khong-khi-tai-mot-so-tinh-dong-bang-song-hong-o-muc-rat-xau-20241230090225978.htm