Chất lượng nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Mực nước thấp nhất trong gần một thế kỷ
'Từ năm 2015, trung bình vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m. Nếu như trước kia, chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nhưng hiện nay phải đào sâu gấp đôi và vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được'.
Đó là đánh giá của Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam về nguy cơ thiếu hụt nước ngọt ở vùng đất trù phú nông nghiệp của Việt Nam.
Trên 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay dòng chảy tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kông giảm, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm và sâu vào đất liền. Đã có 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000 ha. Khoảng 250.000 hộ gia đình với trên 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, theo nhận xét của Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, biến đổi khí hậu cũng như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng dự kiến sẽ tập trung tại các tỉnh đầu nguồn của vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc đánh giá tác động và chất lượng nguồn nước sông của khu vực ĐBSCL là rất cấp thiết góp phần hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước -Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, tại tỉnh này, trữ lượng nước ngầm không nhiều và phân bố không đồng đều. Số công trình khai thác nước dưới đất khoảng 4.746 giếng; trong đó có 233 giếng khoan không sử dụng; số giếng khoan đang khai thác phục vụ sinh hoạt là 4.513 giếng (có 553 giếng khoan khai thác phục vụ sản xuất và 3.960 giếng khoan khai thác phục vụ cho sinh hoạt). Nước ngầm tập trung chủ yếu tại các huyện đồng bằng ven sông Hậu, sông Tiền như Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu. Trữ lượng nước ngầm tại các huyện miền núi (Tri Tôn, Tịnh Biên) tương đối thấp 57.000 – 66.000 m3/tháng. Nguồn nước ngầm chủ yếu được khai thác cho mục đích sinh hoạt của các hộ dân nhỏ lẻ và cho việc sản xuất nông nghiệp tại các khu vực miền núi.
Công bố vùng cấm khai thác nước ngọt
Để bảo vệ nguồn nước trước tình trạng khan hiếm, Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước - Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng vừa đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngầm; hạn chế việc khoan nước ngầm tại những khu vực có nguồn nước mặt ổn định.
Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả thải vào nguồn nước đúng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất có hiệu quả và sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm là dựa vào các hồ chứa nước mặt, nơi tập trung nước từ các sông, suối, để sau đó, nước sẽ được chuyển với trữ lượng tối đa vào các kho chứa dưới đất.
Trong năm nay tỉnh An Giang còn triển khai thực hiện Dự án khoanh định công bố vùng cấm, vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cơ sở khoa học cho công tác cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.