Chất lượng nợ vay cải thiện, vẫn cần lưu ý 4 điểm đẩy nợ xấu dềnh lên

Chất lượng nợ vay có xu hướng cải thiện trong quý cuối, giúp tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng năm 2024 giảm 5 điểm cơ bản. Giới phân tích kỳ vọng xu hướng này tiếp tục giúp giảm áp lực nợ xấu, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng tín dụng năm 2025 với rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có 4 điểm có thể khiến nợ xấu dềnh lên.

Đánh giá về chất lượng tài sản các ngân hàng, báo cáo từ Khối Dịch vụ Thông tin Tài chính Công ty Cổ phần FiinGroup cho thấy, chất lượng nợ vay có xu hướng cải thiện rõ rệt trong quý IV/2024 ở cả nhóm quốc doanh và tư nhân.

Nếu xu hướng này tiếp tục, áp lực nợ xấu trong năm 2025 có thể giảm, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng tín dụng với rủi ro thấp hơn và qua đó, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Nợ xấu giảm 5 điểm cơ bản năm 2024

Theo thống kê của FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu mới hình thành giảm 0,2% nhờ sụt giảm ở cả nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế được các khoản vay chuyển sang nhóm rủi ro hơn.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm mạnh đáng chú ý trong quý IV/2024 là VPBank, VIB, SHB, MB, LPBank và TPBank.

Nguồn: FiinGroup.

Nguồn: FiinGroup.

Chất lượng tài sản ngân hàng nhỏ vẫn suy giảm

"Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa vừa nhỏ (Saigonbank, ABBank, Bac A Bank) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà. Có 22% ngân hàng theo phân tích của chúng tôi có rủi ro tài sản ở mức yếu, không thay đổi so với năm 2023. Trong năm 2025, kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy việc giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu của toàn ngành" - nhóm phân tích VIS Rating đánh giá.

Cũng theo đánh giá của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), rủi ro tài sản của ngành dần ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn.

"Tỷ lệ nợ xấu của ngành giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,25% trong năm 2024" - VIS Rating chỉ rõ.

Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới (VPBank) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 (Techcombank).

Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của VietinBank đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BIDV và Vietcombank đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ.

Đánh giá về chất lượng tài sản ngành ngân hàng, chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình phát triển, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng trải qua rất nhiều sóng gió và có tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm như trong việc xử lý nợ xấu trong việc xử lý khi những bất lợi về vĩ mô.

Theo đánh giá của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, trong ba quý đầu năm 2024, nợ xấu gia tăng khá lớn và giảm dần trong quý IV/2024, tạo ra những tín hiệu tốt cho hệ thống. Tuy nhiên, ông Tú Anh cũng nhận thấy một số yếu tố rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Bộ đệm dự phòng nợ xấu vẫn mỏng

Phân tích 4 rủi ro có thể gia tăng áp lực nợ xấu, theo ông Nguyễn Tú Anh, thứ nhất, Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã hết hiệu lực từ 31/12/2024.

"Có thể bức tranh nợ xấu sẽ rõ hơn và có những khoản nợ tái cơ cấu không được chuyển xuống nhóm nợ thấp hơn, nợ ít rủi ro hơn" - ông Tú Anh bày tỏ.

Nợ xấu đáng ngại từ cho vay bất động sản

"Thứ ba, rủi ro trên thị trường bất động sản là thanh khoản chậm phục hồi và neo ở mức giá cao sẽ dẫn đến hậu quả khá lớn. Đó là những doanh nghiệp bất động sản có những khoản vay lớn chưa thể thanh toán được và sẽ làm tăng nợ xấu trong hệ thống. Còn nếu giảm giá giá thị trường bất động sản để đẩy nhanh thanh khoản lại dẫn đến rủi ro giá trị các khoản thế chấp bằng bất động sản sẽ giảm và cũng sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu" - ông Tú Anh lưu ý.

Thứ hai, để tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng GDP khá cao, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra lên đến 16%. Điều này sẽ khả thi nếu nền kinh tế đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng 8% như đặt ra.

Nếu rủi ro nền kinh tế không đạt được tốc độ này bởi còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, thì có thể với sức ép tăng trưởng cao, có thể dẫn đến rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, khi cố gắng đẩy tín dụng trong một bối cảnh bất lợi.

Thứ tư, nếu chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao thì dự báo cán cân thanh toán sẽ tiếp tục âm như nhiều quý vừa qua.

Theo dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán tổng thể có chuyển biến tích cực hơn, với mức độ thâm hụt đã thu hẹp trong quý III/2024, chỉ còn thâm hụt 59 triệu USD, giảm mạnh so với mức thâm hụt gần 6,066 tỷ USD và 1,371 tỷ USD của hai quý trước liền kề.

Tuy nhiên, đáng lưu ý chỉ tiêu lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỷ USD trong quý III/2024, nâng lũy kế ba quý đầu năm 2024 lên 16,6 tỷ USD, tăng 19,4% cùng kỳ. Đây là một trong những yếu tố khiến cán cân vãng lai dù thặng dư lớn nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt 59 triệu USD.

Trước tình hình đó, theo ông Nguyễn Tú Anh, cán cân thanh toán sẽ tiếp tục âm, cùng chỉ tiêu lỗi và sai sót vẫn tiếp tục ở mức rất cao có thể khiến dự trữ ngoại hối không tăng mà giảm.

"Khi đó, cung tiền đưa ra sẽ rất khó, khiến khó tăng tín dụng như kỳ vọng và khả năng các khoản nợ tái cơ cấu, khoản nợ nhóm 3, nhóm 4 khó cải thiện và có thể chuyển lên các nhóm nợ cao hơn" - ông Tú Anh lưu ý.

Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, theo đánh giá của FiinGroup, toàn ngành tiếp tục có sự cải thiện nhẹ mặc dù vẫn thấp hơn giai đoạn đỉnh điểm năm 2022 (149,2%), cho thấy hệ thống ngân hàng đang dần thích nghi với môi trường tín dụng thận trọng hơn. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối cao, bao gồm Vietcombank (223,3%), BIDV (133,7%) và VietinBank (170,7%).

Ngược lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp đối với phần lớn các ngân hàng thương mại tư nhân, phản ánh sự hạn chế trong việc gia tăng trích lập dự phòng so với nhóm quốc doanh.

Các ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng nhưng tỷ lệ bao phủ vẫn tương đối thấp ở phần lớn các ngân hàng. Nguồn: FiinGroup.

Các ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng nhưng tỷ lệ bao phủ vẫn tương đối thấp ở phần lớn các ngân hàng. Nguồn: FiinGroup.

"Với kỳ vọng thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục và Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản dần cải thiện sẽ là yếu tố hỗ trợ về nền tảng cơ bản" - FiinGroup nhận định.

Trong nhóm tư nhân, Techcombank, MB và ACB là các ngân hàng có tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) ở mức cao, cho thấy khả năng sinh lời tốt của các ngân hàng này. Với VPBank và VIB, kỳ vọng tín dụng tiêu dùng hồi phục mạnh trong năm 2025 sẽ tạo cơ hội cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản và nhờ đó, hỗ trợ tái định giá cổ phiếu.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank tiếp tục được định giá cao nhờ lợi thế tệp khách hàng chất lượng, quy mô vốn vượt trội, chi phí tín dụng thấp và hiệu quả sử dụng tài sản cao.

Trong khi đó, VietinBank và BIDV có hiệu quả sử dụng tài sản thấp hơn so với Vietcombank và nhiều ngân hàng tư nhân, nhưng chất lượng tài sản được kỳ vọng cải thiện sau giai đoạn tập trung xử lý nợ xấu. Điều này giúp VietinBank và BIDV có dư địa mở rộng tín dụng năm 2025 với rủi ro thấp hơn, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chat-luong-no-vay-cai-thien-van-can-luu-y-4-diem-day-no-xau-denh-len-171152.html