Chất lượng nước uống đóng chai - Chuyện chưa có hồi kết: Bài 2 - Vì sức khỏe cộng đồng

Nước đối với sự sống ví như máu trong cơ thể. Một mạch máu tốt sẽ nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh, cũng như nước sạch là khởi nguyên cho mọi sự sinh tồn và phát triển của con người.

Một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa). Ảnh: Trần Hằng

Đạt “chuẩn”...

Là loại nước có thể sử dụng trực tiếp mà không qua đun nấu, cho nên, các sản phẩm nước uống đóng chai càng cần đề cao, chú trọng các tiêu chuẩn về độ an toàn và bảo đảm chất lượng, nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Mặc dù đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có những điểm khác biệt; song các nhóm sản phẩm nước uống đóng chai đều phải tuân thủ các quy định hiện hành, trong đó có QCVN 6-1:2010/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, được ban hành kèm theo Thông tư 34/2010/TT-BYT ngày 2-6-2010 của Bộ Y tế. Nước khoáng thiên nhiên vốn là loại nước chảy qua các tầng địa chất có chứa một số nguyên tố, khí tự nhiên hay hợp chất khoáng hàm lượng cao hơn nước bình thường và có lợi cho sức khỏe. Còn nước tinh khiết chỉ là nước thông thường (nước giếng, nước sông, nước máy sinh hoạt...), được tinh lọc để không còn cặn bẩn và tiệt trùng. Loại nước này không có thành phần vi khoáng và đương nhiên, chất lượng và giá trị dinh dưỡng của nó đối với cơ thể con người là không thể đánh đồng với nước khoáng thiên nhiên.

Để tìm hiểu quy trình sản xuất nước đóng chai, chúng tôi đã tìm đến cơ sở sản xuất Thanh Hoa - Vinh (tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa). Cơ sở có diện tích mặt bằng rộng chừng 60m2, nhưng các khu sản xuất được bố trí khá ngăn nắp, sạch sẽ. Trao đổi với chúng tôi về cơ chế vận hành hệ thống máy móc, thiết bị, anh Nguyễn Quốc Phương (chủ cơ sở) cho biết: Nguồn nước được cơ sở sử dụng để sản xuất là nước máy, do Công ty CP Cấp thoát nước Thanh Hóa cung cấp. Các công đoạn xử lý nước được thực hiện theo đúng quy trình, gồm lấy nước vào bể chứa để lắng qua sỏi, than, cát. Tiếp đó, nước được bơm vào dây chuyền để lọc thô, qua 3 bình lọc thạch anh, than hoạt tính và ion để khử các kim loại nặng. Cuối cùng, nước được lọc qua màng RO và khử bằng tia cực tím UV, để cho ra thành phẩm an toàn. Được biết, để tạo sự an tâm và tin tưởng của khách hàng khi sử dụng nước uống tinh khiết, hàng quý, anh Phương đều lấy mẫu và gửi đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để kiểm tra. Đồng thời, các đoàn kiểm tra liên ngành theo định kỳ hay đột xuất, khi kiểm tra việc sản xuất và chất lượng sản phẩm, thì cơ sở này đều cơ bản đáp ứng các yêu cầu và quy định pháp lý.

Thế nhưng, trong tổng số 55 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có lẽ cũng khó để khẳng định 100% các cơ sở đều tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan. Trong vai người có nhu cầu đặt mua nước uống số lượng lớn, chúng tôi đã liên hệ với Công ty TNHH HL, có địa chỉ tại phố Bà Triệu, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Cơ sở tự giới thiệu là chuyên cung cấp, phân phối nước tinh khiết cho gia đình, đại lý, công sở, trường học và bệnh viện. Toàn bộ cơ sở sản xuất là một khu nhà khá cũ, có tổng diện tích chừng 100 m2, được chia thành 2 khu: Khu sản xuất kèm kho hàng và khu nhà ở. Riêng phần diện tích dành cho sản xuất chỉ chiếm chừng 20 - 30m2, đặt một số thiết bị lọc nước trị giá khoảng trên 100 triệu đồng (theo chủ cơ sở cho biết) và các thùng chứa lớn. Xung quanh nơi sản xuất là ngổn ngang vỏ bình, dây nhợ, xô chậu... Thời điểm chúng tôi có mặt tại cơ sở là lúc công nhân đang thau rửa, vệ sinh bình đựng nước bằng một quy trình... không thể thô sơ hơn. Nước lênh láng trên nền gạch bụi bặm, nên thật khiên cưỡng nếu gắn với cụm từ an toàn vệ sinh. Hàng trăm bình đựng nước, có mới, có cũ hoặc nằm trên nền nhà hoặc treo trên tường để tận dụng không gian. Trừ phần thiết bị lọc khó có thể gọi là hiện đại, hầu hết các công đoạn sản xuất nước như lọc rửa bình, hoàn thiện bình nước thành phẩm... đều được làm thủ công ngay dưới nền nhà. Khi chúng tôi trao đổi về giá, chủ cơ sở này cho biết, giá mỗi bình 20 lít dao động từ 8.000-10.000 đồng, trong đó đã bao gồm cả chi phí vận chuyển. Thấy chúng tôi ngạc nhiên “giá rẻ như vậy thì chất lượng nước có bảo đảm?”, thì chủ cơ sở khẳng định, sản phẩm của cơ sở đã được nhiều đoàn kiểm tra đến lấy mẫu làm xét nghiệm và đã được cơ quan chức năng chứng nhận bảo đảm các quy định!

... liệu đã yên tâm?

Quy định hiện hành đối với quá trình sản xuất nước uống đóng chai là khá chặt chẽ và nghiêm ngặt. Cụ thể, Điều 13, Nghị định 67 về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, nêu rõ, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí. Phải bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm, trong đó, các chai, bình sử dụng lần đầu hay sử dụng lại đều phải được làm sạch, diệt khuẩn, xúc rửa kỹ trước công đoạn rót chai (trừ trường hợp chai, bình sử dụng lần đầu được sản xuất theo công nghệ khép kín có diệt khuẩn). Bên cạnh đó, việc tiệt trùng, khử trùng sản phẩm, khử trùng bao bì bằng thiết bị chuyên dụng sử dụng công nghệ tạo tia cực tím, công nghệ khí ozone và/hoặc các công nghệ khác nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai phải có bộ phận kiểm soát vệ sinh chai bình, chất lượng nước; có đủ hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm từ khai thác nước nguồn cho đến thành phẩm theo quy định với từng lô sản phẩm... Căn cứ theo những quy định này, thì có lẽ nhiều cơ sở sản xuất, hay chí ít là 2 cơ sở mà chúng tôi đã trực tiếp mục sở thị, khó có thể đáp ứng tối đa yêu cầu.

Chất lượng và giá cả được xem là 2 phương thức, hay biện pháp cơ bản để các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tìm ra hướng tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ở đâu và lúc nào, việc áp dụng các biện pháp này cũng dễ dàng. Không đánh đồng các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn; song, không thể phủ nhận trong thực tế, vẫn có cơ sở đang sử dụng công nghệ sản xuất nước thô sơ, thậm chí là lạc hậu và kém vệ sinh, thì liệu có “cửa” để cạnh tranh bằng chất lượng với các thương hiệu lớn? Còn nếu cạnh tranh bằng giá - mà hẳn đây cũng là con đường tốt nhất với nhiều cơ sở - nhưng liệu giá rẻ có mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng? Hoặc, đặt ngược vấn đề, nếu việc sản xuất nước được thực hiện bằng một quy trình nghiêm ngặt và các cơ sở đều tuân thủ đúng quy định. Khi ấy, sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn chỉ dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/bình 20 lít, thậm chí là thấp hơn, thì liệu rằng những băn khoăn về cả chất lượng và giá cả có còn?

Thực tế, vẫn có cơ sở cố tình thổi phồng chất lượng, đưa ra một quy trình sản xuất hiện đại, thậm chí cố tình “đánh tráo khái niệm” nước tinh khiết thành nước suối thiên nhiên, nước khoáng. Hoặc, cố tình qua mặt người tiêu dùng bằng các nhãn hiệu na ná, giông giống các thương hiệu nổi tiếng. Rồi, có những đơn vị hợp đồng mua nước với số lượng lớn, nhưng thay vì lựa chọn sản phẩm tốt, thì họ vẫn chọn loại nước giá rẻ để thỏa cái lợi trước mắt. Còn người tiêu dùng vẫn thường được khuyến cáo khi mua hàng, đó là “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Cụ thể với sản phẩm nước uống đóng chai, đó là nhãn mác với đầy đủ các nội dung về tên sản phẩm, cơ sở sản xuất, các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, hạn sử dụng. Đồng thời, nên mua ở những kênh phân phối uy tín hay những cơ sở chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng, giữa khuyến cáo với thực tế, vẫn luôn có khoảng cách khi thực hiện. Bởi, không phải người tiêu dùng nào cũng thông thái, khi mà nhiều người vẫn khá mơ hồ về chất lượng các sản phẩm nước uống đóng chai; hoặc có hiểu đôi phần nhưng vì khả năng chi trả có hạn, mà lại có nhu cầu thực sự, nên đành “nhắm mắt đưa chân”.

Siết chặt quản lý

Là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người. Do đó, tăng cường quản lý và siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước uống đóng chai, là yêu cầu cần thiết, thậm chí là bức thiết. Sự kiểm soát này phải bắt đầu từ khâu nguyên liệu đầu vào, với các nguồn nước được sử dụng trong sản xuất, nhằm hạn chế tác nhân gây hại tiềm ẩn. Tiếp đó, quá trình sản xuất phải thực sự là một chu trình “tiệt trùng”, “tinh khiết” như đúng bản chất của loại nước uống này. Cuối cùng là khâu kiểm soát đầu ra, gắn với đường đi của sản phẩm và tiến hành kiểm định mẫu nước theo định kỳ hay đột xuất. Tuy nhiên, đây là quá trình không hề đơn giản hay dễ dàng. Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn đặt ra trong thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước uống đóng chai, ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Nhìn chung các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn đã đầu tư trang thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình, dẫn đến việc duy trì thường xuyên các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, cũng như phối hợp cùng phòng y tế và trung tâm y tế các địa phương, tiến hành kiểm tra theo kế hoạch, đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý hành chính và nhắc nhở các cơ sở một số lỗi liên quan đến tem nhãn, thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng theo đúng quy định về ghi nhãn và hồ sơ công bố.

Trong thực tế, việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, lại ít nhiều xuất phát từ chính các văn bản pháp quy. Đơn cử như Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, nêu rõ: Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Đồng thời, Chỉ thị số 10/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng yêu cầu: Nếu trong sở, ngành có nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực, để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, thì giám đốc sở chỉ thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra chung; không để mỗi lĩnh vực thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra, mỗi phòng thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tự ý đến doanh nghiệp kiểm tra. Các chỉ thị nêu trên là nhằm khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp và giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc triển khai cũng đã gây ít nhiều khó khăn cho việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, nắm bắt thực trạng và xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan đến lĩnh vực sản xuất nước uống đóng chai.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên đối với 40% cơ sở được kiểm tra. Kết quả 100% các mẫu có chất lượng đạt theo quy định. Đồng thời, đối với 55 cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đều yêu cầu các cơ sở thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định. Các mẫu này được gửi sang Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Viện Kiểm nghiệm quốc gia để tiến hành phân tích, đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy, hầu hết các mẫu nước đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Mặc dù vậy, việc kiểm nghiệm chất lượng nước uống đóng chai cũng không đơn giản. Bởi, để kiểm nghiệm một mẫu nước hoàn chỉnh, với gần 30 chỉ tiêu, là một quy trình phức tạp và tốn kém. Thông thường, một mẫu nước chỉ cần đạt được 21 chỉ tiêu, thì đã đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, kinh phí kiểm nghiệm một mẫu nước đủ 21 chỉ tiêu, cũng có giá cả chục triệu, thậm chí là gần 20 triệu đồng.

Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai, hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xa hơn là vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, góp phần “thanh lọc” thị trường, cũng như tạo ra quá trình tự đào thải cần thiết. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, các cơ sở làm ăn chân chính, nghiêm túc có cơ hội phát triển. Quá trình này cần sự vào cuộc trách nhiệm không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương, mà còn từ chính ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chat-luong-nuoc-uong-dong-chai-chuyen-chua-co-hoi-ket-bai-2-vi-suc-khoe-cong-dong/109633.htm