Chất lượng xã về đích nông thôn mới toàn diện, đồng đều hơn
Xã Xuân Long của huyện miền núi Đồng Xuân vừa đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: TẤN SỸ
Hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp, ngành, người dân từ đồng bằng đến miền núi hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức bật lớn cho địa phương. Đến nay, hạ tầng cơ sở, nhà cửa vùng nông thôn trở nên khang trang, xanh, sạch, đẹp... Cùng với đó, chất lượng xã về đích những năm gần đây toàn diện, đồng đều hơn.
55 xã đạt chuẩn NTM
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 55/86 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 63,95%. Hiện toàn bộ các xã đã đạt 19 tiêu chí đều giữ vững. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,67 tiêu chí/xã, tăng 3,75 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Với kết quả đó, trong thời gian xây dựng NTM, đến nay hạ tầng cơ sở nông thôn được nâng cấp làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, đối với tiêu chí giao thông (số 2), giai đoạn 2010-2012, khi chưa triển khai đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, khối lượng đường nông thôn được xây dựng và nâng cấp là 180km. Thế nhưng, từ khi triển khai đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015 và bê tông hóa giao thông nông thôn miền núi trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã tăng thêm 1.912km, nâng tổng khối lượng đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên hơn 2.464/2.675km đường (đạt 92,1%). Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, tổng nguồn lực thực hiện đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và miền núi là hơn 1.373 tỉ đồng.
Đối với tiêu chí thủy lợi (số 3), thời gian qua, hệ thống thủy lợi, đê kè được đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu. Theo đó, kênh mương nội đồng được kiên cố từ 773km (năm 2015) thì nay tăng lên 2.123,6/2.167km, đạt 98%, kiên cố hóa kênh mương tăng thêm 1.350,6km so với giai đoạn 2011-2015. Đến nay có 86/86 xã đạt tiêu chí thủy lợi, tăng thêm 80 xã so với năm 2011, tăng 27 xã so với năm 2015.
Còn tiêu chí hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn (số 7), trong 10 năm qua, thông qua các nguồn vốn lồng ghép từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, các địa phương đã cải tạo, nâng cấp 83 chợ nông thôn với số vốn 96 tỉ đồng. Đến nay có 81/86 xã đạt tiêu chí số 7, tăng 68 xã so với năm 2011…
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển đưa đời sống nhân dân nâng cao. Theo kết quả điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình khu vực nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 36 triệu đồng/người, tăng 3,2 lần so với năm 2011 và tăng 1,5 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 39 triệu đồng/người/năm.
Đẩy nhanh tiến độ
Hiện phong trào xây dựng NTM được các cấp, ngành, người dân từ đồng bằng đến miền núi hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức bật lớn cho địa phương đẩy nhanh tiến độ xã hoàn thành NTM và nâng cao chất lượng tiêu chí giai đoạn tiếp theo.
Xuân Long là xã thứ năm của huyện miền núi Đồng Xuân vừa đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM, sau xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Xuân Long huy động hơn 42 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đến nay, hạ tầng cơ sở đồng bộ, tạo nên diện mạo mới khang trang; sản xuất phát triển, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh - trật tự được giữ vững; phát triển nhiều mô hình sản xuất, góp phần tăng thu nhập của dân cư nông thôn. “Cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38,41 triệu đồng/người/năm; xã không còn nhà tạm bợ, dột nát; hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, đảm bảo nước tưới cho cây lúa và hoa màu. Địa phương thực hiện đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn với chiều dài 4,25km, kinh phí hơn 9,743 tỉ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1,189 tỉ đồng”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, hiện có 9 xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới năm 2020, trong đó có 5 xã: Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), An Ninh Tây (huyện Tuy An), Sơn Long, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), hoàn thành, xét công nhận đợt 1 vào tháng 8/2020. Còn lại 4 xã An Hòa (huyện Tuy An), Sông Hinh (huyện Sông Hinh) và Xuân Bình, Xuân Phương (TX Sông Cầu) sẽ hoàn thành, xét công nhận đợt 2 vào tháng 3/2021.
Năm 2019, huyện miền núi Sơn Hòa có 2 xã Sơn Định, Sơn Xuân được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn MTM (trước đó, Sơn Hòa cũng đã có hai xã là Sơn Hà, Sơn Nguyên đạt chuẩn NTM). Năm nay, Sơn Long, Suối Bạc phấn đấu hoàn thành xã đạt chuẩn NTM. Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, hiện xã Sơn Long đạt 17/19 tiêu chí NTM, còn 2 tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt; xã Suối Bạc đã đạt 16/19 tiêu chí, chưa đạt tiêu chí trường học, nhà ở dân cư và giáo dục. Kế hoạch phấn đấu của 2 xã là hoàn thành 19 tiêu chí, xét vào tháng 8/2020.
Tỉnh Phú Yên đã gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa nội dung, tiêu chí xây dựng NTM vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép nhiều chương trình liên quan đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn của tỉnh. Chất lượng xã về đích những năm gần đây toàn diện, đồng đều hơn.