Chất trữ tình trong truyện ngắn 'Dưới bóng hoàng lan'

Nhà văn Xô Viết Konstantin Paustovsky nói: Truyện hay đến một mức nào đó thì thành thơ.

Truyện ngắn và thơ phải chăng có những điểm chung? Hay như nhà văn Phạm Thị Hoài cũng từng trăn trở: “Những truyện ngắn hay - theo cảm nhận của tôi - thường gắn với thơ... Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ thơ và người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn xuôi, bề ngoài mang tính cha mà bề trong mang tính mẹ”. Những truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam cũng mang phong cách như thế.

Suốt đời tìm kiếm cái đẹp

Thạch Lam là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn - một tổ chức văn học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX. Ngòi bút của Thạch Lam thường hướng về cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân, thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc. Bởi hoàn cảnh sống của chính bản thân mình mà lối viết của ông thường gắn với lối sống nội tâm để nói lên suy ngẫm của họ, tiếng kêu của những người đồng cảnh ngộ như ông.

Truyện của ông có lối viết bình dị, trong sáng, giàu chất thơ và đậm chất triết lý suy ngẫm. Các sáng tác của ông như một cuộc hành trình tìm kiếm “cái đẹp bị đánh mất” và suốt đời “tìm kiếm cái đẹp”. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, nhà văn đã lặng lẽ cống hiến những tác phẩm đặc sắc như: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Theo dòng (1941), Hà Nội ba mươi sáu phố phường hay “Dưới bóng hoàng lan”(1941)...

Đến với truyện ngắn của Thạch Lam ta có cảm giác dường như tâm hồn ông gần gũi và ưa thích với những vẻ đẹp nhè nhẹ, những nét buồn lẳng lặng, lời văn thủ thỉ tâm tình, chất thơ bàng bạc trên tùng trang văn… Đó có thể là tình người trong gió lạnh đầu mùa nơi xóm chợ nghèo trong Gió lạnh đầu mùa; là cảm xúc, tâm trạng, tình cảm trong tâm hồn nhân vật Liên - một tâm hồn trẻ thơ, trong sáng thuần khiết, tự nhiên như chưa từng chịu một tác động tiêu cực nào của cuộc sống.

Đó là những rung động tinh tế trước cuộc sống xung quanh chỉ một mùi nồng nồng, âm ẩm bốc lên đã khiến Liên ngỡ đó là mùi riêng của đất quê, không khí vắng lặng đìu hiu của phố huyện đã lay động tâm hồn của Liên. Liên thích thú ngắm bầu trời đêm với ngàn sao lấp lánh để mơ mộng về con vịt đi theo sau ông Thần Nông, về dòng sông Ngân Hà trong các câu chuyện cổ.

Chỉ qua một không gian không lớn, thời gian không dài mà chứa đựng biết bao thân phận, những thống khổ của nhân gian, những buồn thương trước những mơ ước cực kỳ đơn sơ, bé nhỏ của những phận, những mối tình không thể thành để lại những xót xa cho phận người hay một thế giới của những phôi pha, lụi tàn và héo hắt…

Hay như nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Văn học trước năm 1945, có ba nhà văn không chịu xếp mình vào khuôn khổ của sự phân loại đã thành lệ. Họ như đứng riêng ra thành một trường phái. Văn học không ly kỳ hay gay gắt về mặt cốt truyện, không khuyến dụ người ta đi tìm vào những cảnh hớ hênh của những cuộc tình ái hay những cảnh rùng rợn cứ tưởng tượng. Chữ nghĩa toàn lấy từ kho đồ cổ của các làng quê nhưng họ đủ tài năng để dựng lên nhưng cảnh khác thường từ những cái bình thường. Họ là nhà thơ trong văn xuôi là Thạch Lam, Hồ Dzếnh và Thanh Tịnh”.

Bàn về văn chương, nhà văn Thạch Lam cho rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn…”.

Quả thật là vậy, văn chương sinh ra từ tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Nhà văn lấy cuộc đời làm tư liệu thông qua đó gửi gắm những triết lý suy ngẫm về cuộc đời con người. Tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam cũng như vậy. Đó là tình cảm chân thành của đứa cháu về quê hương, về những điều thân thuộc gần gũi.

 Chân dung Thạch Lam của họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: ITN

Chân dung Thạch Lam của họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: ITN

Khơi dậy tình yêu thương con người

Tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” ra đời năm 1941, đây là khi Thạch Lam đang bị mắc cơn bạo bệnh. Tác phẩm là dòng hoài niệm chảy mãi trong tâm hồn ông, miền ký ức đã đi vào dĩ vãng, là mạch đập bền bỉ của ký ức, là trải nghiệm không bao giờ nhạt phai của một thời trẻ thơ.

Câu chuyện kể về một lần trở về quê thăm bà của nhân vật Thanh - cậu bé mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Thuở nhỏ anh có một tuổi thơ khó khăn, buồn tủi khi không có cha mẹ kề bên, chăm sóc, yêu thương như bao bạn nhỏ đồng trang lứa khác nhưng bù lại anh có người bà luôn yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy anh khôn lớn, giúp anh có một tương lai tươi sáng, công việc ổn định.

Vì thế mà nhân vật Thanh rất yêu quý, tôn trọng, thương nhớ bà mình khi công tác xa. Với thân phận là một người con xa xứ, rời khỏi quê nhà để tới với mảnh đất xa lạ, Thạch Lam tạc nhân vật của mình một cách chi tiết, tỉ mỉ diễn biến được tâm trạng, tình cảm của nhân vật khi được trở về.

Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, những hình ảnh quen thuộc hiện lên, và bên cạnh mái tóc của bà, mùi hương hoàng lan nơi vườn và bên tóc mai của Nga khiến chàng trai trẻ xốn xang. Nhưng câu chuyện vẫn khép lại trong cảnh Thanh trở về tỉnh. Phải chăng tác giả đã sử dụng “Dưới bóng hoàng lan” làm nhan đề câu chuyện là để gợi nhắc về những kỷ niệm những ký ức thời ấu thơ bên quê hương, bên người bà mái tóc bạc phơ âu yếm cháu. Lời thì thầm của bà như mảnh gương thần xanh dệt vào ký ức người cháu.

Thời gian của tác phẩm diễn ra trong một không gian và thời gian hết sức cụ thể. Đó là khi nắng chiều len lỏi qua những con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán - bên ngoài trời nắng gắt - rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà.

Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa. Không gian tĩnh lặng nhẹ nhàng yên ả khác hẳn chốn xô bồ tấp nập cộ xe. Đi qua con đường đất dẫn đến căn nhà của bà, căn nhà không có gì có gì thay đổi gợi về những dòng thời gian đi mãi cùng năm tháng. Anh là một người từng gắn bó sâu sắc với quê hương, nơi mình từng sinh sống lớn lên với biết bao kỉ niệm, thế nên khi một thời gian dài không về lại chốn xưa, anh vẫn không cảm thấy lạ lẫm còn dễ dàng nhận ra được những vật trong ngôi nhà.

“Chàng mới nhận thấy cảnh cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Rồi khi Thanh thấy bà ở giàn thiên lý như những ngày xưa cũ, anh có cảm giác được bảo vệ, che chở. Có lẽ vì nhận được sự săn sóc chu đáo ấy nên khi nghĩ về việc bà chỉ có một mình, Thanh chợt thấy thương bà vô kể.

Tình yêu gia đình, quê hương luôn là những thứ khó nói thành lời, ẩn trong thẳm sâu trái tim mà chỉ vài ba dòng không thể bộc bạch hết. Thế nhưng Thạch Lam, với ngòi bút tinh tế của mình đã để tình cảm ấy hiện hữu trong từng cung bậc của cảm xúc, khơi gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.

Bên cạnh nhân vật Thanh, nhà văn còn gửi gắm những tình cảm của mình qua nhân vật người bà. Người bà không xuất hiện trong nhiều dòng văn nhưng qua một số chi tiết và hành động ta thấu hiểu được tình cảm rộng lớn mà bà dành cho Thanh. Sự quan tâm của bà đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ việc dùng phất trần để lau bụi trên giường cho đến việc chuẩn bị ăn cho Thanh, tất cả đều thể hiện tình yêu của bà, một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý. Ta đã từng bắt gặp hình ảnh người bà như vậy trong thơ của Bằng Việt trong những năm tháng đói khổ, lam lũ của chiến tranh.

“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”

Từ tình yêu thương của bà, sự che chở bảo ban của bà là cội nguồn sinh dưỡng để cháu lớn lên, trưởng thành và đi xa. Phải chăng có những nguồn sức mạnh to lớn bắt nguồn từ những điều bình dị, nhỏ bé: “Con đã ăn cơm chưa?”. “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư”? Sự quan tâm ấy đã vun bồi tâm hồn trẻ trung, ngây thơ của một đứa trẻ đã chịu nhiều mất mát, để Thanh có niềm tin với cuộc đời.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ắp đầy hoài niệm ấu thơ

Câu chuyện cũng dắt dẫn người đọc trở về với những kỷ niệm đẹp đẽ: “Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “Cây hoàng lan!””. Hình ảnh kí ức chợt ùa về, Thanh nhớ về cô bạn thuở thơ ấu - cô Nga với một nụ cười, đôi mắt trong sáng và câu chuyện tình cảm đẹp đẽ hồn nhiên. Hình ảnh thiên nhiên nhẹ nhàng tạo cho người đọc sự thư thái, bay bổng dịu êm khi nghĩ về miền quê xa - nơi có bà, có gia đình, có cội rễ. Dưới bóng hoàng lan cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ, nơi chứng kiến sự trưởng thành của con người.

Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, đáng yêu. Chỉ qua những đoạn đối thoại, hành động của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Dù ngày hôm sau Thanh phải lên tỉnh rời khỏi quê nhà, Nga ở lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Dẫu xa nhau nhưng trong lòng họ vẫn hiểu rõ tình cảm dành cho nhau.

Nhân vật mà Thạch Lam xây dựng là những con người hồn nhiên trong sáng vô tư không toan tính, vụ lợi. Nhân vật Thanh dù làm ở trên huyện làm ăn xa quê nghèo mà vẫn giữa được nét hồn nhiên, vẫn còn trân trọng những gì quý giá nhất của một tuổi ấu thơ lam lũ bên bà, bên những người mình yêu thương. Người bà xuất hiện ở đây là muốn làm tròn đầy cảm xúc, tròn ký ức thơ bé của Thanh, nuôi dưỡng tâm hồn người cháu thiếu sót tình yêu thương cha mẹ. Hay cô Nga cũng làm cho tuổi thơ của Thanh đẹp hơn, đáng nhớ hơn. Cốt truyện nhẹ nhàng đầy thơ mộng, vừa có họa lại vừa có nhạc như một bản tình ca nhẹ nhàng luyến láy trong lòng người.

“Dưới bóng hoàng lan” cũng như tên gọi của nó còn hấp dẫn người đọc bởi những hình ảnh thiên nhiên đẹp. Những bức tranh nho nhỏ, những mảnh ghép được đan cài, xen kẽ với nhau tạo nên một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc với tông màu tươi mới sáng tạo. Chúng lấp đầy những khoảng trống của lời nói và cầm giữ nhịp điệu của câu truyện. Ở đây, thiên nhiên thu hút toàn bộ thần trí con người để họ mê man trong đó. Nó gần gũi, vỗ về, khơi gợi những kỷ niệm, kí ức bâng khuâng.

Với truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”, Thạch Lam đã khẳng định tài năng cũng như sự tinh tế của một nghệ sĩ. Truyện không có cốt truyện, mạch đi là dòng chảy tâm trạng với những biến thái tinh vi, chất trữ tình và hiện thực đan cài. Đằng sau tác phẩm ta thấy thấp thoáng một cái tôi giàu lòng nhân hậu, một tình yêu cuộc sống.

Tác phẩm đã kéo gần khoảng cách giữa độc giả và nhân vật trong truyện, khơi gợi lòng đồng cảm giữa những người con xa xứ nhớ nhà nhớ gia đình, nhớ khung cảnh bình dị êm ấm và mối tình con dang dở. Cũng để từ đó, truyện đã khẳng định vị trí và giá trị vững bền của mình trong thể loại truyện ngắn nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.

Bàn về việc tiếp cận, khám phá, giải mã vẻ đẹp độc đáo của một tác phẩm văn chương, nhà văn Thạch Lam đã tâm niệm: “Phải cúi mình xuống những tác phẩm có biểu lộ một tâm hồn rung động, một ý chí sốt sắng. Tác phẩm có thể vụng về, có thể non nớt, như tiếng chim mới biết kêu. Nhưng cốt nhất là thấy ở đấy một vẻ sắc riêng, một âm điệu đặc biệt; cái già dặn của nét bút, cách xếp đặt của cuốn truyện rồi về sau sẽ có”.

Phải chăng, những trăn trở ấy đã cho ra đời những truyện ngắn đặc sắc, đặc biệt như truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” - một trong những trang văn quen thuộc trong hồi ức của mỗi lứa tuổi học trò.

Nguyễn Phương Thúy (Lớp 9/2, Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chat-tru-tinh-trong-truyen-ngan-duoi-bong-hoang-lan-post694406.html