Phố Phái - phố thứ 37 của Hà Nội

Hà Nội bây giờ nhiều phố. Nhưng người ta vẫn chỉ nhớ và thường nói: 'Hà Nội 36 phố phường'. Nhưng còn có một phố, thêm vào 36 phố kia - phố thứ 37 là 'Phố Phái'.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

“Phố Phái” không dựng trên mặt đất mà dựng từ hồn của 36 phố phường. Nó nằm trong khung vải của họa sĩ Bùi Xuân Phái. “Phố Phái” là những bức tranh về phố cổ Hà Nội của ông. Yêu da diết, yêu lặng lẽ những phố cổ Hà Nội, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã mở ra trên khung vải của mình một mảng về phố với bút pháp độc nghề. Ông đã kiến trúc lại các phố cổ bằng tài năng của mình, hay ngược lại, các phố cổ Hà Nội đã tạo ra sự phát lộ của tài năng Bùi Xuân Phái.

Vào tranh Bùi Xuân Phái, các phố cổ Hà Nội bỗng ngơ ngác một dáng vẻ riêng, thăm thẳm một tâm tư riêng. Những rẽ, ngoặt, quanh co, heo hút đều thể hiện bất ngờ dưới thần lực của cây cọ. Những mưa, những nắng, những rêu phong dường như mãi ẩm ướt, mãi mang vẻ quang quẻ và thoang thoảng một mùi phố phường thân thuộc trong bí ẩn của màu. Nét phố trong tranh Bùi Xuân Phái cứ mãi ngân nga giữa nhiều giai điệu. Một chút gì như “Thăng Long trong khói sương mờ” của Văn Cao. Lại một chút gì “Hàng Đào ríu rít, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Gai” của Nguyễn Đình Thi. Và thoảng rười rượi chảy tràn cùng “chiều hôm qua lang thang trên đường” trong “Thu vàng” của Cung Tiến. Hay ngẩn ngơ cùng “với bao tà áo xanh lên mùa thu” của Đoàn Chuẩn. Rồi cùng Trần Thụ ngẫm thì trên “bao mái nhà dưới nắng vàng nghiêng nghiêng hàng dương liễu”.

Thành phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái đẹp vậy nhưng nó chỉ thành “Phố Phái” khi có hai người bạn của ông đặt cho nó có tên. Đó là tùy bút “Phố Phái” của nhà văn “sinh sự để sự sinh” Nguyễn Tuân và bài thơ “Phố Phái” của nghệ sĩ đa tài Văn Cao. Sau khi gọi tên, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận cảm “Phố Phái” bằng những ngôn từ linh điệu, phong trần, tầng tầng, lớp lớp, trong một giọng tùy hứng đầy hứng hưng phấn của men rượu. Còn nghệ sĩ Văn Cao thì quả quyết bằng câu thơ như chợt tìm ra: “Tôi gửi một lá thư về Phố Phái - người đưa thư sẽ mang tới phố anh”. Sau triển lãm tranh Bùi Xuân Phái ở Hà Nội, hồi cuối năm 1984, trong bài viết về triển lãm này, nhà thơ Dương Tường cũng đã phải thốt lên một tứ tuyệt:

Có thoáng rợn tên là hơi may

Có hương tóc tên là kỷ niệm

Có một ngõ tên là hò hẹn

Có một ngõ buồn tên là không tên.

Bây giờ “Phố Phái” đã được treo lên bằng nỗi nhớ Hà Nội của biết bao người yêu thương Hà Nội trên khắp xứ sở. Ở Sài Gòn, triển lãm tranh Bùi Xuân Phái cũng đã từng được mở ra như có lần ở nhà số 43 đường Đồng Khởi. Để lại thêm một lần “Phố Phái” hiện lên trên các tường nhà Sài Gòn.

Tranh Phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Tranh Phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Phố Phái có theo các chuyến bay để đến với các căn nhà người Việt xa xứ trên khắp thế giới. Ở đây căn nhà của mỗi người là Việt Nam. Còn “Phố Phái” là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Một nhạc sĩ xa xứ tài năng chỉ nghe nói ở Canada có một người bạn có “Phố Phái”. Nhạc sĩ bay ngay từ Mỹ sang Canada chỉ để đứng dưới “Phố Phái” trầm ngâm nhìn về xa xăm.

"Anh về quê? Anh sẽ đóng góp cho không gian văn hóa cái nông thôn, thị trấn hoặc thị tứ nhỏ đó kiểu gì? Anh có hiểu biết về kinh tế nông nghiệp không? Anh có hiểu biết về văn hóa địa phương không? Anh có phương án gì để trở thành một phần của cộng đồng đó, thay vì phá vỡ nó – với số tiền cỏn con anh đang cầm không?"

Bây giờ Hà Nội đã xây dựng dọc ngang quá nhiều, các phố cổ đã chìm lấp trong đại dương kiến trúc tầng tầng lớp lớp. Những sóng nhà dịu dàng của phố cổ đã khuất dưới ngọn sóng bão tố của những công trình xây dựng thiếu một quy hoạch hài hòa, tổng thể. Hãy mở mang Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhưng hãy bảo tồn các phố cổ, hãy thực sự trùng tu nó để gìn giữ. Nếu những hành động khẩn thiết này không có, nguy cơ tan biến của 36 phố phường là cầm chắc. Lúc ấy, có khi chỉ còn lại độc nhất phố thứ 37 - Phố Phái.

Bây giờ tôi đang chép bài viết nhỏ này trong một bình minh ồn ã động cơ của Sài Gòn. Nhưng như một lẽ tự nhiên, hồn tôi vẫn tĩnh lặng để nhận ra đầy đủ một “Phố Phái” trong tưởng tượng. Và đâu đây ngân nga một câu hát của Phú Quang: “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường...”

Đã có một Phố Phái - phố thứ 37 của Hà Nội cổ xưa. Lại có một Sân Khấu Phái – sân khấu chèo của riêng Phái tạo ra. Sân khấu chèo của Phái không phải là sân khấu diễn mà là phòng hóa trang ở sân khấu diễn.

Bùi Xuân Phái bắt đầu nhập thân vào chiếu chèo khi thế kỷ 20 bước vào thập niên 60. Vở trình làng ông trang trí cùng với tác giả Vân Dung và đạo diễn Trần Hoạt là vở "Sợi tơ vàng”. Chính cái hồn nhiên, dân dã của nghệ thuật đã cứu vớt Bùi Xuân Phái ra khỏi những suy tư nặng nề của một thời ngột ngạt. Chèo là người tình thứ hai của Phái song hành cùng người tình thứ nhất là Phố Cổ Hà Nội.

Chèo - 1984 - tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Chèo - 1984 - tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Yêu chèo, Phái tìm thấy trong những âm thanh, nhịp điệu ấy một sức sống trường tồn lưu không qua từng số phận diễn viên. Bởi vậy, ông đã dồn tình yêu của mình qua nét, qua màu để thể hiện những số phận thực đó trong phòng hóa trang, trước lúc biến thành vai diễn. Đấy là thân phận ngàn đời của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Phòng hóa trang chèo là ngưỡng cửa giữa đời thường và ước mơ, giữa bi và hài, giữa khóc và cười, giữa trần tục và linh thiêng. Nhìn vào tranh chèo của Phái ta thấy các nét, các màu dường như đang chuyển động rất truyền cảm ra khỏi chính cái khung tranh nhỏ hẹp đó, bay tới cùng tưởng tượng của con người. Một cái quạt trong tay, một gò hồng trên má, một chòm râu dưới cằm, một cây gậy chống đất, một khăn vấn trên đầu, tất cả dường như đang khuấy lên những giai điệu chèo lúc tha thiết và lúc rạo rực, lúc trầm lắng, lúc giục giã. Tranh chèo của Phái như cái chiếu chèo dựng lên cái đẹp trong tâm hồn người, như trải rộng vào mộng mĩ xa xăm. Nó vừa rõ rệt, vừa thấp thoáng, vừa thành thật vừa lãng mạn. Ôi ! Tươi rói những má hường, yếm điều. Ôi ! Gợi cảm những đường nét thanh xuân lúc nở tung khi khép kín, lúc kêu gọi, khi chối từ. Ta như đắm say đến không cùng những gì Phái đã gợi ra từ bố cục, từ ngẫu hứng.

Ngoài những số phận diễn viên trong phòng hóa trang, Phái thật tinh tế khi tả những nhạc công đắm chìm trong thần âm. Một ống sáo lanh lảnh, một mảnh tỳ bà thánh thót, một đàn tứ, một song loan, một nguyệt, một nhị, một bầu... nỉ non, réo rắt. Dàn nhạc chèo độc đáo hơn trong tranh Phái. Có lẽ vai diễn duy nhất Phái vẽ nhiều lúc diễn chính là vai hề. Đó là tiếng cười nức nở của một nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.

Phái đã vẽ phố cũng như vẽ chèo cho đến khi không vẽ được nữa. Ông chung thủy với hai người tình cho tới hơi thở cuối cùng. Tranh phố của ông đã được in nhiều, nhưng tranh chèo của ông thì mãi tới năm 1995 – nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn - một đàn cháu rất yêu quý mới in thành một tập trang trọng. Có một điều kỳ lạ là khi nhìn vào tranh chèo Phái vẽ các thôn nữ, ta cứ ngỡ như mình đang gặp, đang phải lòng Hồ Xuân Hương – Bà chúa thơ Nôm. Tranh chèo của Phái quả thật vừa gợi ta nghe văng vẳng những giai điệu chèo cùng những lời thơ “chết người” của nữ sĩ họ Hồ. Điều ấy khiến ta thêm yêu mến vô cùng. Xin được nhắc lại thêm một lần nữa trong bài viết này tứ thơ của Phan Vũ mà Phú Quang đã phổ nhạc “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố - bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Và bỗng thấy trống vắng khi Hà Nội nhiều năm qua vắng Phái.

NGUYỄN THỤY KHA

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/pho-phai-pho-thu-37-cua-ha-noi-10289835.html