CHẤT VẤN TƯ LỆNH NGÀNH KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ: ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC HẤP THỤ VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Tư lệnh ngành Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Giải pháp nào nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp?

Trong Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, trong những năm vừa qua hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống ngày càng được hoàn thiện, quy định tại các Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ,...và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này. Theo đó, chính sách, pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài sản công, thuế để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước còn chưa đồng bộ, thống nhất; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để gắn hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh công nghệ mới tiếp cận với thị trường.

Đồng thời, thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu; nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế. Đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp do quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản lý. Việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống vẫn còn chậm và yếu.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đầu tư cho ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ còn hạn chế. Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn chưa cao, bị hạn chế về nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong khi đó việc tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để đổi mới công nghệ gặp nhiều vướng mắc do thiếu tài sản đảm bảo.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường khoa học, công nghệ, đb từ năm 2011 đến nay Bộ máy quản lý nhà nước về thị trường khoa học công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Cụ thể là 4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy thị trường khoa học công nghệ nước ta vẫn còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp căn cơ nào?

Đại biểu cũng cho biết, theo đánh giá của Bộ, phần lớn các phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa quan tâm đầu tư cho ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ; năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại biểu đặt ra câu hỏi, thời gian tới cần có giải pháp gì để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp?

Đại biểu Nguyễn Duy Minh- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Duy Minh- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Cũng đưa ra câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Minh- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng chỉ ra rằng kết quả từ nghiên cứu khoa học, công nghệ đưa vào sản xuất luôn tồn tại những rủi ro; sản phẩm khó cạnh tranh được với nước ngoài. Vậy cần có giải pháp như thế nào để khắc phục những tồn tại về quy định pháp luật có liên quan, khuyến khích được nhiều phát minh sáng chế từ các công trình khoa học, nghiên cứu ở trong nước?

Bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa của hệ thống pháp luật khoa học, công nghệ với pháp luật về thuế, đầu tư

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Đặc biệt, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong đó tập trung sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử…

Cùng đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành khoa học, công nghệ, các đại biểu cho rằng, Bộ chủ quản cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa của hệ thống pháp luật khoa học và công nghệ với hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công, các quy định về mua sắm công nhằm tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ.

Đồng thời, cần tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Sửa đổi và hoàn thiện các quy định về tài chính để doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có các cơ chế, chính sách ưu tiên các dự án công nghệ cao có đi kèm lộ trình bảo đảm thực hiện việc chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước và nước ngoài; tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76715