Chật vật tìm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp
Tại Ninh Thuận, dù chưa vào cao điểm mùa khô hạn nhưng tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều hồ, ao trên địa bàn dần cạn nước, trơ đáy.
Người dân phải chật vật đi tìm nguồn nước tưới để cứu cây trồng, vật nuôi nhằm duy trì sản xuất.
Giữa cái nắng chói chang trong mùa hạn hán, ông Lâm Sỹ Bé (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) mồ hôi nhễ nhại cùng tốp thợ khoan giếng vẫn làm việc cật lực bên giàn máy khoan với hy vọng tìm được nguồn nước ngầm. Khu rẫy 5.000 m2 vốn trồng hành tím nhưng vụ này do khô hạn nên ông Bé chỉ trồng 1.000 m2. Để duy trì sản xuất, ông Bé buộc phải thuê thợ khoan giếng tìm nguồn nước tưới.
Ông Bé cho hay, gia đình đã khoan một giếng sâu 50 mét nhưng phải bỏ vì không có nước. Không nỡ nhìn công sức bỏ ra bị mất trắng, ông đành tiếp tục khoan thêm giếng khác. Nếu giếng có nước, thợ khoan sẽ tính 400.000 đồng/m còn không có nước thì vẫn tính 300.000 đồng/m khoan. Dù tốn công, tốn của nhưng không phải lúc nào cũng may mắn tìm được nguồn nước dưới lớp đất đá sâu đến cả trăm mét.
Thiếu nước tưới đang là trình trạng chung của nhiều nông hộ ở xã Nhơn Hải. Khu vực này vốn phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ hồ Ông Kinh. Hồ có dung tích thiết kế 800.000 m3 nước, cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 200 ha đất trồng nho, hành, tỏi nhưng đã trơ đáy từ nhiều tháng nay. Theo người dân địa phương, khô hạn kéo dài nên khoan giếng là giải pháp duy nhất mà bà con có thể làm để cứu vãn sản xuất vào thời điểm hiện nay.
Không chỉ ảnh hưởng tới cây trồng, khô hạn cũng đang đe dọa tới hoạt động chăn nuôi. Tại vùng chăn nuôi huyện Bác Ái, người dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi các đồng cỏ trở nên trơ trụi. Để có nguồn thức ăn cho đàn gia súc, các hộ dân phải mua thêm rơm với giá khá cao từ 30.000 – 35.000 đồng/cuộn. Tuy nhiên, nguồn rơm không phải lúc nào cũng có sẵn do trong mùa thu hoạch mới đây rơm không còn nhiều; trong khi đó, vụ Hè Thu sắp tới đã bị ngừng sản xuất.
Ông Ka Tơr Chính (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) than thở, nắng hạn khiến cỏ trên đồng mọc không nổi, gần cả tháng nay 10 con bò chỉ biết nhốt trong chuồng cho ăn uống cầm cự. Hàng ngày, ông phải đi hàng cây số tìm chỗ cắt cỏ cho ăn tạm. Nhà cũng có trồng 1 sào cỏ voi nhưng thiếu nước nên cỏ không mọc nổi. Ông đã gọi điện hỏi mua rơm nhưng mấy ngày nay thương lái nói vẫn chưa có. Nếu nắng hạn kéo dài nữa thì đành phải bán bò vì không còn khả năng để nuôi tiếp.
Tình trạng thiếu nước sản xuất cũng đang diễn ra gay gắt ở các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến ngày 25/3, tổng dung tích 21 hồ chứa nước của tỉnh hiện chỉ còn 43,02/194,49 triệu m3, chiếm 22,11% dung tích thiết kế. Riêng lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cung cấp nước cho Ninh Thuận hiện còn 89,92/165 triệu m3, đạt 54,49% so với dung tích thiết kế.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, lượng nước khan hiếm đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp buộc phải dừng sản xuất. Ước tính trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh có trên 7.500 ha đất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản phải dừng sản xuất do thiếu nước.
Riêng địa bàn huyện Thuận Nam đang phải chịu tác động nặng nề bởi hạn hán trên diện rộng. Liên tục từ 2019 đến nay, toàn huyện đã phải ngưng sản xuất khoảng 1.800 ha lúa và hơn 1.000 ha cây màu các loại do nắng hạn. Nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, tình hình khô hạn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để thúc đẩy sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch sản xuất ứng phó với khô hạn; chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu; tập trung cứu các loại cây trồng đang sản xuất cho giá trị kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh, nha đam, hành, tỏi...
Đồng thời, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với khô hạn; tìm nguồn nước ngầm, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để duy trì sản xuất trong mùa khô 2020.
Về giải pháp chống hạn lâu dài, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tầm nhìn đến 2030; tích cực tích trữ nguồn nước ngọt tại các hệ thống hồ thủy lợi đang được nâng cấp, xây dựng mới để điều tiết nguồn nước cho các vùng sản xuất trên địa bàn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chat-vat-tim-nguon-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep/151670.html