Chật vật vì nợ và phí, người Mỹ hạn chế chi tiêu bằng thẻ tín dụng

Gánh nặng nợ thẻ tín dụng gia tăng tiếp tục làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tài chính của các hộ gia đình Mỹ…

Các tín hiệu suy giảm trong chi tiêu thẻ tín dụng đang làm dấy lên mối lo ngại về tình hình tài chính của người tiêu dùng Mỹ và triển vọng doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm khi mà các chủ thẻ tín dụng phải đối mặt với mức phí cao kỷ lục.

"CÒNG LƯNG" VÌ NỢ THẺ TÍN DỤNG

Chi tiêu thẻ giảm sút xảy ra khi tài chính của người tiêu dùng đang bị căng thẳng bởi lãi suất cao hơn và gánh nặng nợ nần, đặc biệt là khi sử dụng thẻ tín dụng.

Các khoản nợ thẻ tín dụng đã tăng mạnh trong năm qua và chạm mốc kỷ lục hơn 1 nghìn tỷ USD vào quý 2/2023. Tổng nợ hộ gia đình Mỹ vượt 16 tỷ USD lên 17.060 tỷ USD - đây cũng là một kỷ lục nợ mới.

Các nhà nghiên cứu của Fed New York đã nhấn mạnh, sự gia tăng nợ thẻ tín dụng là đột biến và nhanh chóng, các khoản nợ quá hạn cũng đã ghi nhận mức cao nhất trong 11 năm, được đo bằng mức trung bình trong bốn quý. “Thời điểm lạm phát ở mốc đỉnh đã thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn", Phó chủ tịch Nghiên cứu và Tư vấn tại TransUnion, ông Michele Raneri trình bày trong báo cáo H1 của ngành tín dụng.

Báo cáo của Fed New York cho thấy nước Mỹ có tổng cộng hơn 578 triệu tài khoản thẻ tín dụng (tăng 5,48 triệu) và hạn mức đạt 4,6 nghìn tỷ USD (tăng 9 tỷ USD so với thời điểm cuối quý đầu tiên của năm).

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra báo cáo chỉ ra rằng lãi suất trung bình hàng năm trên các loại thẻ tín dụng đã đạt mức cao 22,8% vào cuối tháng 8, tăng từ mức 16,3% của năm 2022.

 Lãi suất bình quân hàng năm trên số dư thẻ

Lãi suất bình quân hàng năm trên số dư thẻ

Kết quả là, so với một năm trước, người tiêu dùng Mỹ có nguy cơ phải trả thêm tới 40 tỷ USD cho các khoản thanh toán lãi trong năm tới trên số dư tín dụng, theo WalletHub, công ty chuyên theo dõi thẻ tín dụng và tài chính tiêu dùng.

Giám đốc điều hành của WalletHub Odysseas Papadimitriou cho biết: “Chúng tôi được biết rằng thị trường thẻ tín dụng đang chậm lại bởi việc trả nợ ngày càng nên khó khăn hơn. Những điều này đã đẩy các hộ gia đình có mức thu nhập thấp đến trung bình rơi vào hoàn cảnh bấp bênh và lặp lại vòng lẩn quẩn”, chuyên gia kinh tế Sofia Baig của Morning Consult cho biết.

Nhà kinh tế Robert Sockin của Citigroup cho biết: “Sau quý 2, chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã bắt đầu sụt giảm và điều đáng chú ý là thực trạng đó diễn ra ở tất cả các lĩnh vực”.

Chi tiêu thẻ tín dụng tại các nhà bán lẻ đã giảm gần 11% trong tháng trước, Citi báo cáo, dựa trên dữ liệu từ khách hàng sử dụng thẻ của chính ngân hàng. Mức giảm đó, ở tháng thứ 5 liên tiếp chi tiêu giảm tốc, là mức giảm lớn nhất trong năm tính đến thời điểm hiện tại.

Nhà kinh tế học Shruti Mishra của Bank of America viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Sau một mùa hè vững chắc, chi tiêu dường như đã giảm tốc sau kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động”.

ÁP LỰC TỪ LÃI SUẤT

Mặc dù chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã chậm lại rõ rệt, nhưng tỷ lệ vỡ nợ dù có tăng lên cũng không cao hơn nhiều so với trước khi đại dịch bắt đầu. Và người tiêu dùng Mỹ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, dường như được hỗ trợ bởi thị trường việc làm mạnh mẽ.

Michael Hanson tại JPMorgan lưu ý: “Sức mạnh của thị trường lao động, bao gồm mức tăng vững chắc về việc làm và tiền lương thực tế, đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng bất chấp các dự báo ảm đảm về hoạt động của nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã chi tiêu số tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời gian lockdown vì đại dịch Covid-19 khi các khoản thanh toán lãi suất được tạm dừng và chính phủ thực hiện các khoản thanh toán trực tiếp cũng như các biện pháp kích thích khác để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser đã cảnh báo rằng những “vết nứt” đang xuất hiện trở lại đối với sức khỏe tiêu dùng của người dân Mỹ: “Tôi nghĩ rằng một số khoản tiết kiệm từ những năm Covid-19 đang dần cạn kiệt”.

Các giám đốc điều hành trong ngành bán lẻ đã nhiều lần bình luận rằng lãi suất tăng cao và tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu.

Kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng. Lãi suất cơ bản hiện dao động ở mức cao nhất trong 22 năm là 5,25-5,5%. Mặc dù vậy, các quan chức vẫn đang cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong thời gian cuối năm nay trước khi tạm dừng vào năm 2024.

Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon cho biết vào tháng 8 rằng chi phí gas, tiện ích và chi phí vay tăng cao sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng: “Ngân sách hộ gia đình vẫn đang chịu áp lực”.

Thẻ tín dụng, không giống như các khoản thế chấp và các loại tín dụng tiêu dùng khác, có xu hướng thay đổi trong điều khoản và là một trong những loại nợ đầu tiên mà người tiêu dùng cảm nhận được tác động của lãi suất tăng.

Tổng chi tiêu của người tiêu dùng, bao gồm tiền thuê nhà và các khoản mua sắm khác mà người tiêu dùng thường không dùng thẻ tín dụng, đang tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Một số nhà kinh tế cho rằng việc giảm chi tiêu bằng thẻ tín dụng phản ánh những căng thẳng tài chính ngày càng lớn đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những người này vốn phụ thuộc nhiều hơn vào tín dụng quay vòng, cũng như chịu sức ép lớn hơn từ việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng.

Trích dẫn một ghi chú từ EY-Parthenon, doanh số bán lẻ sẽ tăng vừa phải 3% trong mùa nghỉ lễ tháng 11 và tháng 12 năm nay do thực trạng lạm phát vẫn dai dẳng, lãi suất cao và mức tăng thu nhập ở mức vừa phải. Con số 3% thể hiện sự sụt giảm so với tốc độ 5,8% của năm ngoái và thấp hơn mức tăng 13,2% sau đại dịch vào năm 2021.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chat-vat-vi-no-va-phi-nguoi-my-han-che-chi-tieu-bang-the-tin-dung-post536035.html