Chất xúc tác cho sáng tạo

Tổ chức trại sáng tác và các chuyến đi thực tế là một trong những hoạt động trọng tâm đã được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, các hội chuyên ngành trực thuộc Hội duy trì thường xuyên trong vài chục năm qua. Kể từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ cho sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ.

Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức chuyến đi thực tế cho hội viên về miền di sản Đền Trần - Chùa Keo - Phủ Giày. (12-6-2019).

Bình quân một năm, mỗi hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức từ 1 - 2 chuyến đi thực tế hay các trại sáng tác cho hội viên. Những chuyến đi này thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tùy theo tính đặc thù của mỗi lĩnh vực sáng tác mà các hoạt động nói trên được triển khai tổ chức ở những địa điểm và thời gian thích hợp.

Với Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Mỹ thuật, các chuyến đi thực tế và trại sáng tác luôn được coi là hoạt động trọng điểm. Từ những chuyến đi thực tế ở khắp các vùng miền, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thu về trong ống kính biết bao khoảnh khắc đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người; các họa sĩ thì lưu dấu trong bức vẽ những sắc màu của cuộc sống từ miền quê đến chốn thị thành, từ vùng đồng bằng đến miền sơn cước...

Với các hội viên của Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Điện ảnh, Hội Âm nhạc hay Hội Văn nghệ dân gian, điểm đến của những chuyến đi thực tế có khi là những công trình kiến trúc cổ, những di tích lịch sử, văn hóa; có lúc là những địa danh gắn với truyền thống lịch sử hào hùng của một vùng đất hay những khu kinh tế, khu công nghiệp, những địa phương có nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng nông thôn mới...

Không chỉ tạo sự gắn kết, các chuyến đi thực tế sáng tác này còn là cơ hội trải nghiệm, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.

Thực tế cho thấy sau mỗi trại sáng tác, hầu hết tác giả đều trình làng tác phẩm thuộc nhiều thể loại với đề tài khá phong phú, từ lịch sử, văn hóa đến những góc khuất của đời sống xã hội... Trong lĩnh vực múa, sau mỗi trại sáng tác, các nghệ sĩ cho ra đời nhiều kịch bản, đề cương múa, dựng nhiều tác phẩm múa mới cho các đội văn nghệ địa phương tham gia các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng ở Thủ đô. Trong số đó có không ít tác giả, tác phẩm sau khi dàn dựng được nhận Huy chương vàng, Huy chương bạc và giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Hội Sân khấu Việt Nam... Đó là các tác giả: Quý Hiền, Trần Trí Trắc, Ngọc Thụ, Lệ Dung, Đặng Hiển, Văn Sử...

Lĩnh vực văn nghệ dân gian, khi triển khai các đề tài nghiên cứu, các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tỏa đi khắp các phố, phường, làng, xã của Thủ đô để gom nhặt chuyện xưa tích cũ, những tục hay lệ lạ để từ đó lưu giữ vốn cổ của cha ông. Và thành quả của quá trình nghiên cứu, sưu tầm, những chuyến điền dã ấy là một loạt tập sách được ra mắt bạn đọc như: Chợ Hà Nội xưa và nay, Ẩm thực Thăng Long - Hà Nội, Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội, Hội làng Thăng Long - Hà Nội, Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội...

Đáng chú ý, từ năm 2013, ngoài các chuyến đi thực tế, trại sáng tác do các hội chuyên ngành tổ chức, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội còn phối hợp với các hội bạn tổ chức trại sáng tác ở các địa bàn khác trên cả nước như: Trại sáng tác đa ngành ở Nha Trang, Huế; trại sáng tác chuyên ngành ở Nha Trang, Huế, Thanh Hóa, Lai Châu, Lạng Sơn, Hải Phòng, Côn Đảo... Theo đánh giá, hiệu quả tổ chức các trại viết khá cao và tác phẩm cũng khá chất lượng.

Điểm lại thực tế hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ Hà Nội trong những năm qua, có thể thấy những tín hiệu vui của văn học nghệ thuật Thủ đô. Tuy nhiên, phía sau mỗi trại viết, mỗi chuyến đi sáng tác vẫn còn không ít điều cần bàn thêm. Trong nhiều cuộc hội thảo, không ít văn nghệ sĩ đã lên tiếng về chất lượng cũng như vấn đề “đầu ra” cho những đứa con tinh thần của mình. Đó là chưa kể tới sự vắng bóng của các nghệ sĩ trẻ trong các trại sáng tác, đặc biệt là vấn đề tạo nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động này.

Trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ XII (2016 - 2021), Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ và bước đi cụ thể để tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sáng tác, phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, tâm huyết của hội viên để tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng Thủ đô. Theo đó, việc tổ chức sáng tác phải được cải tiến từ khâu tổ chức trại viết đến việc đi thực tế; quan tâm tổ chức trại sáng tác liên kết đa ngành với các hội bạn; cải tiến cách thức đầu tư, tránh chủ nghĩa bình quân, mạnh dạn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đầu tư chiều sâu... Đối chiếu với thực tế hoạt động này trong giai đoạn hiện nay, có thể nhận ra nhiều “khoảng trống” mà để lấp đầy đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng các văn nghệ sĩ...

Gia Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/978048/chat-xuc-tac-cho-sang-tao